Cụ thể, giá trị quy đổi của đồng tiền chung châu Âu đã giảm xuống còn 1 euro đổi lấy 0,9952 USD hôm 14/7 - mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối năm 2002, năm đồng euro chính thức được giới thiệu.
Mặc dù vậy, các nhà giao dịch vẫn tin rằng đồng euro có thể phục hồi, miễn là nền kinh tế EU vượt qua được một số rào cản trong những tháng tới.
Thách thức đến từ nguồn cung khí đốt Nga
Việc đầu tiên châu Âu cần giải quyết là tránh nguy cơ bị chặn tiếp cận đối với nguồn cung khí đốt Nga, bởi điều này sẽ khiến giá điện tăng cao và buộc các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phải hạn chế một số hoạt động công nghiệp.
Esther Reichelt, nhà phân tích tại Commerzbank, nói với hãng tin AFP: "Nếu dòng chảy khí đốt từ Nga được bình thường hóa, hoặc ít nhất là ngừng giảm, sau khi Nga kết thúc việc bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào tuần tới, thì những lo ngại của thị trường về một cuộc khủng hoảng khí đốt sắp xảy ra ở châu Âu sẽ hạ nhiệt”.
Với việc tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cảnh báo rằng họ không thể đảm bảo đường ống phục vụ dự án Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ hoạt động bình thường, các nước châu Âu lo ngại rằng Nga sẽ sử dụng lý do kỹ thuật để ngừng giao hàng vĩnh viễn và gây áp lực lên họ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 14/7 thậm chí còn nói rằng Nga đang sử dụng năng lượng "như một thứ vũ khí".
Stephen Innes, một nhà phân tích tại hãng quản lý tài sản SPI Asset Management, cảnh báo nếu đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 "không hoạt động trở lại, đồng euro sẽ giảm do cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu rất có thể sẽ gây ra suy thoái".
Lối đi nào cho ECB?
Jane Foley, chuyên gia về ngoại hối tại ngân hàng Rabobank, cho biết: “Suy thoái có nghĩa là những rủi ro về sự phân mảnh trong khu vực Eurozone sẽ ngày càng hiện hữu”.
Giống như các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phải tìm cách tránh tăng lãi suất quá mạnh để không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lo lắng về khả năng phân mảnh thị trường nợ châu Âu, với những khác biệt lớn về lãi suất đi vay trên toàn khu vực Eurozone.
ECB cho đến nay vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực lỏng để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại liên tục tăng lãi suất và cam kết sẽ tiếp tục làm như vậy để đối phó với lạm phát.
ECB sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ của mình vào tuần tới. Trước đó, ngân hàng này đã bày tỏ ý định sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm.
Các nhà phân tích của S&P cho biết: “Nếu ECB đang nhắm đến việc thúc đẩy giá trị đồng euro, lãi suất tại Eurozone sẽ phải tăng thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 7 và/hoặc có thể tăng thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 9 tới”.
Trong khi đó, đối với các nhà kinh tế học tại ngân hàng Berenberg, sự sụt giá của đồng euro được cho là do sức mạnh vượt trội của đồng USD, vốn đã tăng mạnh so với rổ tiền tệ rộng lớn kể từ giữa năm 2021.
Đồng USD được hưởng lợi từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để cố gắng hạn chế tỷ lệ lạm phát, vốn đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng Sáu.
"Thị trường đang suy đoán rằng Fed có thể tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản thay vì 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào hai ngày 26-27/7", ngân hàng Berenberg lưu ý. Nếu vậy, đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng cao.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính UniCredit nhận định đến cuối năm 2022, triển vọng lạm phát giảm và xu hướng cân bằng chính sách từ các ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ tâm lý thích rủi ro của giới đầu và làm giảm nhu cầu mua USD".
Nếu điều này xảy ra, đồng euro có thể sẽ tăng giá trong vài tháng cuối năm 2022, theo UniCredit.