Tài chính

Phó Tổng Giám đốc ABBank: Không cần quá lo ngại trước động thái hút tiền thông qua tín phiếu của NHNN

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ khởi động lại kênh tín phiếu, hút ròng trăm nghìn tỷ đồng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng tiền bị hút mạnh sẽ khiến doanh nghiệp ốm yếu và thanh khoản thị trường cạn kiệt.  

Chia sẻ tại talkshow "Chọn danh mục kỳ 12: Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh", Phó Tổng Giám đốc ABBank, bà Nguyễn Thị Hương cho biết trước tiên, nghiệp vụ thị trường mở là một công cụ tài chính tiền tệ rất hữu hiệu của NHNN để điều tiết thanh khoản trên thị trường tiền tệ.

Đây là một nghiệp vụ rất bình thường và NHNN có thể bơm tiền hoặc có thể hút tiền trên thị trường liên ngân hàng thông qua công cụ này. Việc NHNN quay lại hút tiền thông qua việc chào bán tín phiếu là nghiệp vụ bình thường trước tình trạng thanh khoản trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiền đồng bị dư thừa, dẫn đến lãi suất đang ở mức thấp. Đây cũng chính là động thái giảm áp lực lên tỷ giá.  

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank (Nguồn: ABBank). 

Tính đến 11/7 vừa qua, số dư tín phiếu kho bạc là khoảng 187.000, điều đó cho thấy ngân hàng đang hút về lượng VND tương đương thông qua tín phiếu. Tuy nhiên, kỳ hạn rất ngắn là 7, 14 và 28 ngày, có nghĩa sau hết kỳ hạn ngắn này, lượng tín phiếu, lượng tiền đó lại quay trở lại hệ thống ngân hàng và tiếp tục đi vào nền kinh tế.

Ngoài công cụ này, bà Hương cho biết NHNN còn nhiều công cụ khác để điều hành một cách nhịp nhàng để đảm bảo sự cân đối giữa tiền tệ với kinh tế vĩ mô và các cân đối khác.

"Do đó, nhà đầu tư không nên quá lo ngại về việc NHNN hút tiền thông qua tín phiếu vì đây chỉ là hoạt động điều tiết thông qua các cụm công cụ khác để đảm bảo quan hệ tiền hệ, lãi suất tỷ giá và dòng cân vốn được đảm bảo," lãnh đạo ABBank khẳng định. 

Nhiều dư địa để ổn định chính sách tiền tệ 

Nhận nhận về dư địa để ổn định chính sách tiền tệ, bà Hương cho biết trước tiên cần nhìn nhận bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 6 tháng đầu năm chịu rất nhiều tác động ngoại cảnh khi nhìn vào bức tranh lạm phát của các nước. 

Cụ thể, Mỹ đã công bố lạm phát thời điểm tháng 5 và gần đây là tháng 6 trên 9% ở mức rất cao, ở châu Âu là 8,6% , ở Anh là 9,1%. Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận mức lạm phát là 6%, Singapore lần đầu tiên trong lịch sử lạm phát tăng đến 5,6%,...

Với bối cảnh lạm phát tăng và lãi suất các nước liên tục điều chỉnh, có thể thấy tại Việt Nam, việc điều hành chính sách tiền tệ và kết quả đạt được cũng rất phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường điện tử liên ngân hàng, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn đều giữ nguyên và ổn định giúp các NHTM có thể tiếp cận với các nguồn vốn vay của NHNN với mức lãi suất thấp và tạo điều kiện cho các ngân hàng ổn định mức lãi suất cho vay.

Thứ hai, NHNN đã có sự điều tiết tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ rất linh hoạt thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở, lãi suất tiền tệ được duy trì ở mức rất thấp giúp cho các ngân hàng có thể tiếp cận với nguồn vốn để thực hiện nhu cầu thanh khoản với chi phí thấp.

Thứ ba, tỷ giá trung tâm cũng được điều hành rất linh hoạt phù hợp với diễn biến trong nước cũng như quốc tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống với mức mà NHNN định hướng là 14% trong năm nay và 6 tháng được là 9,35%. Điều này cho thấy vẫn có những dư địa để tăng trưởng tín dụng đạt 14% đến cuối nay.

Đại diện ABBank cho rằng với khả năng về mặt tài chính được tăng cường của hệ thống ngân hàng và năng lực quản trị của các ngân hàng trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là về nguồn vốn được bổ sung thông qua các đợt tăng vốn của những năm trước đây, các NHTM có thể mở rộng tín dụng một cách lành mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2022.

Một yếu tố nữa hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm là chỉ số lạm phát. Mục tiêu đầu tiên của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, trong khi CPI của Việt Nam đến hết tháng 6 trung bình ở mức 2,44% - mức rất thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm