Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Đây là nội dung được đông đảo cử tri phản ánh và mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên bố trí nguồn lực, đầu tư, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, nâng cao thu nhập của nhân dân.
Tại phiên họp, các đại biểu nêu ý kiến một số ngành, nghề mới như: Live streamer, tiktoker, youtuber..., cũng như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có tác động đối với xu hướng đào tạo nghề, vậy thành phố có đánh giá nguồn nhân lực, phân tích, dự báo, chiến lược phát triển công tác đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào trong thời gian tới? Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho biết, AI sẽ tác động đến gần 40% tổng số việc làm trên toàn cầu, vậy xu hướng đào tạo ngành, nghề mới thế nào để đối phó với điều này?
Trả lời vấn đề trên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, về giải pháp tổng thể, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chất lượng các trường công lập trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố xác định tiếp tục đầu tư cho các chương trình, giáo trình, giáo án, đặc biệt là các ngành nghề mới, ngành nghề liên quan đến AI và các lĩnh vực liên quan đến xu hướng phát triển ngành nghề hiện nay.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2022, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành danh mục 78 nghề đào tạo dưới 3 tháng. Để đảm bảo danh mục này gắn với thực tiễn của thị trường, năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh.
Qua rà soát cho thấy, còn 77 nghề, trong đó có rút và bổ sung 15 nghề mới. Đáng chú ý, trong danh mục 77 nghề có cả nghề mới như đại biểu đề cập là bán hàng Live streamer hay giúp việc gia đình. Về cơ cấu, trong 77 nghề thì có 24 nghề là nông nghiệp và 53 nghề là phi nông nghiệp.
Thông tin về thực trạng trên địa bàn Thủ đô còn trên 1,1 triệu lao động chưa được đào tạo nghề và khoảng 2 triệu lao động không có bằng cấp, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ đại biểu Tây Hồ) đặt vấn đề với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, có “sốt ruột” với thực trạng trên?
Bà Bạch Liên Hương bày tỏ: "So với nhiệm vụ phải làm thì chúng tôi không sốt ruột. Nhưng với trách nhiệm cá nhân là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho thành phố về vấn đề lao động, việc làm, nâng cao trình độ trong lực lượng lao động thì tôi thấy rất sốt ruột và thấy rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm”.
Cho ý kiến về nội dung chất vấn nhóm vấn đề về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, qua báo cáo của UBND thành phố và kết quả phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm phát triển thị trường lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, thể hiện qua các kết quả, chỉ tiêu trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm (các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch hằng năm và có xu hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2020-2024 tăng 23% so với giai đoạn 2016-2019).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.
Do đó, HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND thành phố, các cấp, ngành tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, khẩn trương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, lộ trình, tiến độ khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện nghiêm túc các cam kết, lời hứa, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân.