Sáng 3/7, đã diễn ra Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024 do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020.
Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...
Dự báo về lạm phát 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng tác động từ những cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý đến giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ giảm dần từ quý III/2024. Tính trung bình, CPI trong cả năm 2024 được dự báo sẽ chỉ tăng 3,4% (+/-0,2%).
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, vị chuyên gia này đánh giá trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.
Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không tiếp tục tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý
Hơn nữa, theo chuyên gia nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy rằng áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng.
Áp lực lạm phát nửa cuối năm không lớn
Dự báo về lạm phát 6 tháng cuối năm 2024, TS. Độ cho rằng áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn.
Nguyên nhân là do mặc dù nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt mức 6,5%, nhưng xét cả giai đoạn 2020-2024, GDP chỉ tăng trung bình khoảng 5%/năm, thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014 - 2024, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020 - 2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Nói cách khác, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Thứ ba, mặc dù tỷ giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%), nhưng lạm phát hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2024 không cao.
Hơn nữa, đà tăng của tỷ giá đã chững lại trong tháng 5 - 6/2024 và được dự báo sẽ ổn định, thậm chí giảm, trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất và đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế.
Thứ tư, giá dầu tương đối ổn định trong thời gian qua khi dao động xung quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu khi Fed duy trì lãi suất ở mức cao.
Thứ năm, lãi suất, mặc dù thấp, nhưng vẫn được duy trì ở mức thực dương và giúp kiềm chế lạm phát, còn cung tiền và tín dụng tăng trưởng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tính đến thời điểm 24/6/2024 tăng trưởng huy động vốn và tín dụng của các tổ chức tín dụng mới đạt tương ứng 1,50% và 4,45%.
Thứ sáu, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Khả năng lạm phát tăng mạnh là khó xảy ra
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thì dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra.
"Thêm vào đó, Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng", ông Long cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực sẽ tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế trong nước, cộng hưởng với những vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để, nên sẽ tác động tới lạm phát.
"Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương... Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách... trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm", ông Long nói.
Ngoài ra, trong thời gian tới tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ... Do đó, lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, vị này khuyến nghị.