Thông tin thiếu quỹ đất được nêu tại họp báo về tình hình hoạt động các khu chế xuất, khu công nghiệp của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) chiều 3-7.
Đưa quỹ đất bổ sung cho sản xuất công nghiệp vào quy hoạch
Ông Nguyễn Thanh Bình - trưởng phòng quy hoạch xây dựng HEPZA - cho biết hiện tại đất quy hoạch của TP.HCM cho công nghiệp khoảng 5.914 ha.
Nhưng để phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới, duy trì vai trò ngành đầu tàu phát triển kinh tế của TP.HCM một cách bền vững, cần phải bổ sung đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp.
HEPZA đã có nhiều văn bản góp ý cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc là hai cơ quan chủ quản thực hiện hai đồ án quy hoạch của TP.HCM đề xuất đưa thêm 11 khu công nghiệp (tổng diện tích 4.127 ha) để phát triển công nghiệp.
"HEPZA đã phối hợp các sở ngành, địa phương để tìm các khu đất, đặc biệt là đất nông trường, chuyển đổi đất nông nghiệp khai thác không hiệu quả để thành đất công nghiệp, vừa phát triển công nghiệp vừa phát triển các dịch vụ kèm theo", ông Bình cho biết.
Nói kỹ hơn về khó khăn của quỹ đất, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - trưởng phòng quản lý đầu tư HEPZA - cho biết hiện nay quỹ đất mà công ty hạ tầng có thể khai thác kinh doanh là 75 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các dự án đã đưa vào cho thuê chỉ 3 ha, vẫn còn lại 71 ha.
"Quỹ đất còn nhưng khó thu hút đầu tư do đặc điểm là đất không liền mảnh, liền thửa. TP.HCM lại chú trọng dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, còn nhà đầu tư cần quỹ đất lớn để xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh", bà Ngọc nói.
Ông Trần Việt Hà - phó trưởng HEPZA - nói trong 6 tháng đầu năm 2024, các dự án đầu tư kể cả dự án FDI khá nhỏ, tổng quỹ đất đã sử dụng chỉ 5 ha. Con số này rất nhỏ so với quỹ đất hàng năm để thu hút đầu tư từ 100 - 150 ha.
"Nghị quyết 98 do Quốc hội ban hành có nội dung liên quan đến thu hút đầu tư những dự án trọng điểm theo ưu tiên đầu tư của TP.HCM, đều là những dự án cần quỹ đất lớn mà hiện các khu công nghiệp không đáp ứng được", ông Hà nói.
Đề án chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp chưa tác động đến các doanh nghiệp
Liên quan đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp (Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước, Bình Chiểu) đã được phê duyệt, có thông tin cho rằng Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) chỉ còn một doanh nghiệp thực phẩm duy nhất hoạt động.
Phản hồi, ông Trần Việt Hà cho biết hiện Khu chế xuất Tân Thuận có 250 dự án đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như rau củ quả, thực phẩm ăn liền.
Dù đang trong giai đoạn viết đề án chuyển đổi thí điểm nhưng thực tế đang thực hiện chuyển đổi nếu phù hợp định hướng phát triển.
Có một doanh nghiệp công nghệ cao lĩnh vực điện, điện tử số vốn lớn được xem xét mở rộng hoạt động tại Khu chế xuất Linh Trung. Cùng lúc một đơn vị sản xuất khung ảnh hoạt động không hiệu quả và đến thời hạn hết hợp đồng, ngưng hoạt động. Nên lô đất này được doanh nghiệp công nghệ cao tiếp nhận để mở rộng.
Ông Nguyễn Thanh Bình nói không ít doanh nghiệp trong các khu lo lắng nếu hết thời hạn hoạt động, các khu công nghiệp sẽ thành cái gì, doanh nghiệp đi đâu.
"Hiện vẫn chưa có quy định nào khác. Theo chỉ đạo của thành phố, sau khi hết thời hạn hoạt động sẽ vẫn giữ khu chế xuất, khu công nghiệp để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất", ông Bình trấn an.