Tại phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng 11/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã bày tỏ lo ngại khi đã gần nửa năm 2022, song tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm.
"Đến nay mới bổ sung thêm dự toán có 18.000 tỷ thì nhằm nhò gì, giữa nói và làm là không đi đôi với nhau. Mà nếu hết năm 2023 không giải ngân được thì sẽ trình Quốc hội dừng lại, vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang thực hiện được đánh giá là "phao cứu sinh" của nền kinh tế. Nhiều tổ chức cũng đưa ra dự báo về triển vọng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 một phần nhờ gói phục hồi 350.000 tỷ đồng này.
Chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
Chia sẻ với người viết về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, cho biết không thể phủ nhận tác động tích cực từ gói phục hồi và phát triển kinh tế đang được thực hiện, tuy nhiên đây chỉ là một trong các yếu tố giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh việc giải ngân chậm gói này tất nhiên phần nào đó sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế, song mấu chốt quan trọng nhất cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính là gỡ bỏ rào cản, mở cửa dần nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát,... Có thể thấy, nhiều ngành kinh tế đã có sự phục hồi ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, trong gói phục hồi kinh tế thì phần lớn chi cho cơ sở hạ tầng và giải ngân đầu tư công chậm là câu chuyện không còn xa lạ từ xưa tới nay. Nguyên nhân cũng do nhiều yếu tố chẳng hạn như đầu tư vào các dự án manh mún, không khả thi; vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng hay giá nguyên vật liệu tăng cao so với dự toán ban đầu,...
Chuyên gia tài chính cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay của Chính phủ là khá thận trọng. Thực tế khả năng tăng trưởng trên 7% là hoàn toàn có thể dựa trên nền thấp của năm 2021 và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu hay một số ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn,...
Qua đó, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá cho dù gói phục hồi và phát triển kinh tế giải ngân chậm thì kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn đạt được mục tiêu đã đề ra nhờ vào các trụ cột tăng trưởng chính như xuất khẩu, đầu tư,...
Thực tế, trong các dự báo và nhận định gần đây của các tổ chức và chuyên gia kinh tế đều đưa ra những đánh giá tích cực về đà phục hồi kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Hay theo báo cáo vĩ mô của CTCP Chứng khoán VNDirect mới đây cũng đánh giá Việt Nam vẫn sẽ là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2022 và tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức 7,1%.