Kết thúc quý I/2022, Tân Hiệp Phát duy trì tình hình sản xuất, nhiều chỉ tiêu kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết với đà tăng trưởng, Tân Hiệp Phát tự tin về mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp nước giải khát Việt hàng đầu châu Á. Để thúc đẩy kế hoạch này, tập đoàn đặt trọng tâm xây dựng nội lực cho tập thể - nền móng xây nên đế chế vươn tầm khu vực.
"Ai cũng có vai trò trong tổ chức như mọi con ốc đều quan trọng với cỗ máy. Ốc lỏng một chiếc thì cỗ máy có thể sụp đổ, một nhân viên làm sai thì cả công ty có thể gián đoạn vận hành. Tân Hiệp Phát có ngày hôm nay nhờ tập thể cùng nhau tạo ra kết quả, vì vậy chúng tôi luôn chú trọng liên tục hoàn thiện chính sách nhân sự và hệ thống vận hành, cải tiến môi trường làm việc, nỗ lực giúp mọi nhân viên phát triển bản thân", bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát nói.
Thành lập từ năm 1994, hành trình phát triển của Tân Hiệp Phát xoay quanh trục 7 giá trị cốt lõi: thỏa mãn khách hàng; chất lượng chuẩn quốc tế; có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; không gì là không thể; làm chủ trong công việc; hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai; chính trực.
Bà Uyên Phương nhấn mạnh đây cũng chính là hệ giá trị giúp thúc đẩy năng lực cho mỗi nhân viên và tạo nên sự khác biệt cho Tân Hiệp Phát. Bước vào công ty, mỗi người sẽ được phổ biến một quy trình phát triển từ tuyển dụng đến lúc nghỉ hưu. Mỗi cột mốc phát triển đều có tiêu chí rõ ràng về năng lực, thành tích, kỹ năng quản lý công việc... Thậm chí, dù không thuộc họ Trần, bạn vẫn có thể trở thành CEO nếu đạt đủ yêu cầu.
Ban lãnh đạo công ty luôn khẳng định, mọi cá nhân đều có điều kiện để phát triển bản thân, kiện toàn đội nhóm và lớn hơn là tổ chức. Cam kết này hiện thực hóa bằng cơ hội tham gia hàng loạt khóa đào tạo từ chuyên môn công việc đến kỹ năng mềm, khả năng lãnh đạo với các chuyên gia quốc tế do Tân Hiệp Phát chọn lựa và mời về Viêt Nam.
Bà Uyên Phương nói thêm: "Năm nay, theo chia sẻ của đơn vị tư vấn chiến lược cho chúng tôi, Tân Hiệp Phát đã triển khai chiến lược, chuyển thành bộ năng lực lãnh đạo được đặt riêng cho lộ trình phát triển của mình từ tổ chức chuyên nghiệp về nghiên cứu khả năng lãnh đạo trên thế giới, có trung tâm đánh giá và đào tạo để phản hồi cho nhân viên. Đội ngũ tư vấn khá bất ngờ khi chúng tôi đi xa đến vậy bởi kể cả các tập đoàn đa quốc gia cũng chỉ triển khai mô hình này tại trụ sở chính của họ trong vòng ba năm nay để tăng cường cho đội ngũ quản lý cấp cao".
Nhân sự cấp quản lý mới sẽ luôn có một thành viên đồng hành, hỗ trợ kết nối nội bộ, tìm hiểu công việc và nắm bắt văn hóa, các giá trị cốt lõi để nhanh chóng hòa nhập. Theo quá trình phát triển sự nghiệp, nhân sự này sẽ được tham gia khóa đào tạo phù hợp khả năng, nhiệm vụ và thường xuyên luân chuyển để bổ sung thêm kiến thức, nhiều góc nhìn khác nhau về một vấn đề. Lãnh đạo cấp cao sẽ có cơ hội tham gia các khóa đào tạo chuyên biệt hơn, giao nhiều thử thách để rèn luyện, vượt qua bản thân.
Không chỉ học qua lý thuyết, công việc mỗi ngày và các dự án mới chính là lớp đào tạo thực tế hiệu quả nhất với nhân viên. Như câu chuyện của Trần Thị Thu Hà (Nhà máy Number One Chu Lai) trong vai trò định lượng nguyên liệu tại phòng QC. Từ một cô sinh viên mới ra trường không thể phân biệt được mã thành phần, thao tác vụng về khiến hao hụt nguyên liệu, sau 4 tháng đã có thể cân chính xác từng gram, đảm bảo các chỉ tiêu hóa lý nghiêm ngặt, một mình cân gọn gàng phuy nguyên liệu hơn 200 kg.
Bây giờ, Thu Hà kể về từng nguyên liệu mà cô làm việc mỗi ngày với giọng đầy tự hào. Như 2E với vị ngọt lịm, 3E "đỏng đảnh" khiến sếp cô không ít lần nửa đêm phải vào công ty khắc phục sự cố, 4E hay bị nhầm với 3E khi đặt chung trên pallet... Những lúc khó khăn hay không kịp lấy mẻ nguyên liệu từ nhà sản xuất, Hà luôn có đồng nghiệp hỗ trợ
"Công ty giúp tôi dày thêm kinh nghiệm sống, làm việc - những bài học mà chắc chẳng có sách vở nào dạy cho", Hà nói.
Anh Tôn tại nhà máy Number One Hậu Giang cho biết, song song quá trình đào tạo là đánh giá hiệu quả công việc và sự phát triển cá nhân định kỳ, thông qua các tiêu chí đánh giá công khai để ghi nhận thành tích, xếp loại. Những ai có thành tích tốt sẽ được ghi nhận trước tập thể, tăng lương và đảm nhận vị trí tương xứng.
"Nhờ vậy, dù ở bất cứ phòng ban nào, chỉ cần bạn nỗ lực và xứng đáng, mọi đóng góp đều được ghi nhận, tôn vinh", anh nói.
Một trong những giá trị cốt lõi mà đơn vị luôn tập trung là "hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai", vậy nên quá trình làm việc đề cao sự sáng tạo, cải tiến. Mọi quy trình đều chuẩn hóa để nhân viên hiểu rõ từng hạng mục công việc, thời gian tối đa để hoàn thành; khi phát sinh vấn đề có thể đề xuất sáng kiến thay đổi qua hệ thống công cụ cải tiến.
Mọi ý kiến của nhân viên sẽ được lắng nghe qua nhiều kênh khác nhau. Qua hệ thống mạng nội bộ, từng người có thể liên lạc với cấp cao nhất khi có vấn đề cần trình bày.
Nữ Phó tổng kể lại một câu chuyện mà bà ấn tượng, đó là khi chạy bộ trong nhà máy và trò chuyện cùng một nhân viên, anh bảo có chuyện rất bức xúc mà chỉ nói với chị Phương hoặc chú Thanh thôi. Bà nghe nói vậy liền cười, vì chạy cùng nhau hơn 15 phút mà anh không biết người bên cạnh chính là Phó tổng. Từ sau dịp ấy, bà Uyên Phương lại càng chăm trò chuyện cùng nhân viên, tổ chức nhiều buổi livestream, tăng tương tác với mọi người để kịp thời nắm bắt tâm lý, cảm xúc nhân viên và sự vận hành của công ty.
"Để thúc đẩy sự phát triển của mỗi nhân viên, bên cạnh tính kỷ luật hệ thống, công ty xây dựng văn hóa Tân Hiệp Phát là đại gia đình, đồng nghiệp coi nhau như người thân nên: sự thành công của bạn là niềm hạnh phúc của tôi không phải là sự đe dọa của tôi", bà Phương nói.
Điều này càng được minh chứng cụ thể trong 125 ngày "3 tại chỗ" năm 2021: mọi người cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm, chia sẻ cho nhau từng thứ nhỏ nhất. Đội ngũ lãnh đạo luôn nỗ lực truyền ngọn lửa tích cực đến từng thành viên, để họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Năm qua dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, công ty vẫn thực hiện đúng cam kết "không cắt giảm lương, thưởng". Thậm chí, đơn vị còn nâng chế độ đãi ngộ như một cách ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực giữa đại dịch.
"Giữ vững khả năng cạnh tranh nhưng không để ảnh hưởng tới đời sống người lao động là bài toán khó nhưng chúng tôi tự tin mình đang làm và làm tốt hơn mỗi ngày", bà Phương cho biết.