Thời sự

Thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực và khan hiếm hàng hóa

Đây là cảnh báo do Liên Hợp Quốc đưa ra.

Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ, nơi cung cấp tới 60% nguồn lương thực cho thế giới. An ninh lương thực mất cân đối nghiêm trọng, nếu không sớm có biện pháp, đây có thể trở thành một vấn đề chính trị gây hậu quả khôn lường.

Mỗi ngày chị Cindy Cueto thức giấc với câu hỏi hôm nay sẽ ăn gì. Chị sống trong một khu ổ chuột tại thủ đô Lima của Peru. Giá lương thực tăng phi mã khiến chị cùng với những người hàng xóm phải cùng nấu ăn chung nhằm giảm bớt chi phí.

Chị Cindy Cueto nói: "Chúng tôi không đủ tiền mua thịt bò, nên chúng tôi mua xương về nấu súp. Giá các mặt hàng đều tăng, nên chúng tôi chỉ nấu súp với xương và rau".

Lạm phát hoành hành trên toàn thế giới đã ảnh hưởng nặng nề đến 33 triệu dân Peru, đặc biệt là 10 triệu người nghèo sống ở mức 3 USD/ngày.

Thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực và khan hiếm hàng hóa - Ảnh 1.

Các bà nội trợ ở Peru phải nấu ăn chung để giảm bớt chi phí do giá lương thực tăng cao. (Ảnh: AP)

Còn tại thủ đô Beirut của Lebanon, hàng dài người xếp hàng mua bánh mỳ. Cửa hàng này là một trong số ít cửa hàng còn bán bánh mỳ do được nhà nước trợ giá. Tuy nhiên, việc trợ cấp cũng chỉ kéo dài thêm vài tuần nữa.

Ông Mohti Azzam, người dân Lebanon, nói: "Giá bánh mỳ rất cao nhưng chúng tôi vẫn phải xếp hàng mua. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi có mấy đứa con nên phải mua cho chúng ăn".

Lebanon phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu lương thực, trong đó 70% lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine. Giá lương thực ở Lebanon đã tăng gấp 11 lần trong khi đồng nội tệ của nước này mất 90% giá trị.

Không chỉ những nước nghèo, ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng hóa và thực phẩm.

Một người dân Đức chia sẻ: "Không thể tưởng tượng được khi mọi người bắt đầu tích trữ đồ ăn".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm