Tài chính

Giá vàng SJC rớt thảm

Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC hiện được niêm yết ở mức 72,5-75,5 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua – bán vẫn rất lớn, đến 3 triệu đồng/lượng. Theo đó ngay tại thời điểm mua vào, nhà đầu tư đã bị lỗ nặng.

Tập đoàn DOJI điều chỉnh tăng 500 nghìn đồng/lượng chiều mua và giảm 1 triệu đồng/lượng chiều bán xuống còn 72,0-76,0 triệu đồng/lượng. Trước đó, chênh lệch giá mua – bán vàng SJC tại DOJI có thời điểm lên tới 6,5 triệu đồng/lượng trong ngày 28/12.

Tương tự tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng giảm 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 2 triệu đồng/lượng chiều bán xuống còn 72,7-75,6 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu niêm yết 71,5-75,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 24k sau khi lên mốc 64 triệu đồng/lượng cũng đã quay đầu giảm khoảng 500 nghìn đồng/lượng. Hiện giá mua vào phổ biến ở mức 62,5-62,7 triệu đồng/lượng và giá bán ra khoảng 63,5-63,7 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay giảm khoảng 10 USD/ounce so với hôm qua xuống mức 2.070 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành, giá vàng thế giới tương đương với 61 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC rớt thảm - Ảnh 1.

 

Trước đó, trong ngày 28/12, giá vàng trong nước biến động dữ dội khi vàng SJC lao dốc không phanh từ 80 triệu đồng/lượng về còn quanh mức 75 triệu đồng/lượng, rồi lại đảo chiều hồi phục lên 77 triệu đồng. Diễn biến này xảy ra sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo về việc quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 01 năm 2024.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm