Công ty Cổ Phần Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP HCM (Mã: CII) vừa thông báo đã nhận được văn bản của Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận thời điểm điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Trong đó, CII có 2 dự án trực thuộc được điều chỉnh tăng giá vé trong đợt này gồm Trạm thu phí Cà Ná – Km 1584 +100, Quốc lộ 1, tỉnh Ninh Thuận thuộc dự án Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 và Trạm thu phí Cầu Cổ Chiên Km11+850, Quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Cổ Chiên.
Thời điểm thực hiện tăng giá vé bắt đầu từ ngày 29/12. Mức điều chỉnh theo tăng thêm là 18% (mức giá cụ thể theo văn bản số 8940/CĐBVN-TC ngày 27/12/2023 của Cục đường bộ Việt Nam về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với các trạm thu phí có điều chỉnh giá).
Hiện mảng kinh doanh BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) do công ty con Đầu tư Cầu đường CII (Mã: LGC) quản lý với 7 dự án, doanh thu bình quân mỗi ngày gần 7 tỷ đồng, tương đương thu hơn 2.500 tỷ đồng mỗi năm.
Theo cơ cấu doanh thu, 2 dự án BOT được điều chỉnh tăng giá trên đóng góp gần 20% doanh thu thu phí mỗi năm của danh mục dự án trong năm ngoái. Dự án BOT Cà Ná bắt đầu thu phí từ tháng 4/2017 và dự kiến kết thúc vào tháng 10/2036, Cầu Cổ Chiên bắt đầu từ tháng 9/2016 và kết thúc vào tháng 1/2028.
Hiện dự án lớn nhất trong danh mục BOT của công ty là Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Trạm thu phí này bắt đầu khai thác từ quý III/2022 với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm.
Công ty Đầu tư Cầu đường CII gần đây đã được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Công ty ước tính tổng doanh thu của cả vòng đời dự án này lên đến 32.000 tỷ đồng.
Giữa tháng 12, CII và các đơn vị thành viên thông báo đã hoàn tất giải ngân 9.302 tỷ đồng từ khoản tài trợ của Vietcombank cho hai dự án cơ sở hạ tầng là dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án BOT Xa lộ Hà Nội.