Doanh thu tăng nhưng không lời
Cái khó đối với nhiều DN xuất khẩu sản phẩm nhựa, giấy, sơn… hiện nay gặp nhiều khó khăn khi đàm phán với đối tác để tăng giá, nhằm bù đắp chi phí đầu vào…Vì vậy, họ chấp nhận chịu lỗ để duy trì sản xuất.
Những ngày này, các dây chuyền máy móc tại Nhà máy của Công ty TNHH cao su Đức Minh (huyện Hóc Môn, TPHCM) liên tục hoạt động để kịp đơn hàng cho đối tác ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi năm, DN này xuất đi hàng chục triệu sản phẩm chân đế lắp vào các thiết bị điện gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, máy điều hòa…
Tuy đơn hàng khả quan nhưng ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty này cho biết, doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lợi nhuận gần như không có.
“Mặt bằng chi phí sản xuất tất cả đều tăng, nhân công khó kiếm và chi phí phải trả lương cao; trong khi giá bán ra không có gì thay đổi. Chúng tôi phải cầm cự sản xuất bằng cách cắt các chi phí vận hành, cố gắng không để lỗ”, ông Quốc Anh nói.
Ngành cao su bứt phá
Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, xuất khẩu toàn ngành cao su Việt Nam năm 2021 ghi nhận tổng giá trị ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngành này tiếp tục duy trì đà tăng cao. Cụ thể, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt hơn 787.000 tấn, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng và 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đa số các sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, giá nguyên liệu giấy tái chế tăng từ 150 USD/tấn lên trên 300 USD/tấn khiến DN gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra. DN giấy chấp nhận lỗ kỹ thuật, không tính khấu hao để duy trì hoạt động sản xuất.
“Ngay từ đầu năm 2022, các DN ngành giấy đã đối mặt với việc tăng giá, nhưng vừa phải nỗ lực quân bình thị trường, vừa điều chỉnh giá phù hợp nhưng do cầu quá thấp nên không thể tăng giá. Bây giờ DN còn trong tình trạng ngược là phải giảm giá để lấy đơn hàng, đó mới là khó khăn lớn”, ông Sơn nhìn nhận.
Cũng ông Sơn cho biết, DN chấp nhận bỏ hết các khấu hao, bỏ hết các chi phí không cần thiết, chỉ cần nuôi được công nhân, duy trì hoạt động là chúng tôi cố gắng.
Vài tháng trở lại đây, hàng hóa xuất qua Trung Quốc rất khó khăn nên kim ngạch xuất khẩu ngành giấy bao bì cũng giảm theo, dẫn đến cung vượt cầu. Trong tháng 7, tháng 8 này, sản xuất của ngành giấy càng khó khăn hơn.
Nhiều DN cố gắng duy trì sản xuất trong khi chi phí tăng cao Ảnh: U.P
Khó dự báo
Doanh nghiệp ngành nhựa cũng gặp nhiều khó khăn mà ngành sơn cũng không ngoại lệ. Bà Nguyễn Thị Lạc Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam cho biết, sơn - mực in là sản phẩm phụ trợ, hỗ trợ cho ngành khác, phần lớn phục vụ nội địa và phụ thuộc nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Quy mô ngành này trên 600 triệu lít/năm, với giá trị hơn 2 tỷ USD và tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm.
Tuy nhiên ngành sơn - mực in đang lâm vào tình cảnh “thê thảm”, thậm chí không ít DN tăng trưởng âm - chuyện mà 20 năm qua chưa bao giờ xảy ra. Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến ngành sơn vì phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu, nên khi chuỗi cung ứng đứt gãy, giá xăng dầu quá cao đã giáng một đòn “chí mạng” vào ngành này.
“Nhiều DN hội viên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí chịu lỗ để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động. Do đó, rất khó dự báo giá nguyên liệu đầu vào từ nay đến cuối năm 2022. Các DN cũng chưa thể đưa ra kế hoạch kinh doanh ổn định đến cuối năm. Tuy nhiên theo dự báo, tổng sản lượng ngành sơn - mực in sẽ còn giảm” - bà Huyền cho hay.
Các hiệp hội DN cho rằng, giá xăng dầu tăng cao gây khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy giá xăng dầu vừa có đợt giảm đáng kể nhưng thực tế vẫn chưa thấm vào đâu vì những đợt tăng giá liên tục trước đó đã tác động mạnh đến giá cả hàng hóa.
Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM - ông Nguyễn Quốc Anh thông tin, giá nguyên liệu nhựa đã tăng 30-50%, chi phí logistics cũng tăng 50% theo giá xăng dầu đã tác động lớn đến ngành nhựa, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo đó, trước đây chi phí vận chuyển một container từ Việt Nam sang Hàn Quốc khoảng 17 triệu đồng giờ đã tăng lên 30 triệu đồng; cước vận chuyển nội địa cũng tăng 20-30%, càng làm cho DN hao mòn lợi nhuận dù đã phải tăng giá bán sản phẩm 5-7%.
Trong khi đó, sức tiêu thụ nhiều mặt hàng nhựa trong nước lại giảm 10-20%, thị trường Mỹ, tây Âu cũng chung tình cảnh. “Điều chúng tôi lo lắng nhất trong sáu tháng cuối năm là nếu chi phí tiếp tục tăng mà đơn hàng giảm sẽ làm lợi nhuận giảm nhiều.
Cụ thể như đồ chơi nhựa đầu năm 2022 đã giảm 20%, dự báo cuối năm sẽ còn giảm tiếp 30%; các mặt hàng khác giảm ít hơn. Viễn cảnh trong năm 2022, nhiều DN hội viên Hội Cao su - Nhựa cho biết, doanh thu có thể đảm bảo nhưng lợi nhuận chắc chắn giảm sâu, vì không tăng được giá xuất khẩu” - ông Quốc Anh nói.
“Để bù đắp chi phí sản xuất, DN nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ. Các DN cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống.
Việc thay đổi về công nghệ mới, quản trị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn” - ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM lưu ý.