Hồi tháng 5, Isla McNabb, một bé gái 2 tuổi ở Kentucky (Mỹ), trở thành thành viên trẻ nhất trong lịch sử của Mensa - cộng đồng những người có chỉ số IQ cao nhất thế giới. Trí thông minh của cô bé đã khiến nhiều người kinh ngạc nhưng cũng nhiều người đặt câu hỏi: Liệu chỉ số IQ cao của một đứa trẻ có giúp đạt được thành công trong tương lai hay không?
Theo nhà tâm lý học John Antonakis, câu trả lời về cơ bản là có.
"IQ là yếu tố dự đoán quan trọng nhất về thành công trong công việc. Đó là một công cụ dự đoán rất mạnh mẽ và rất đáng tin cậy", Antonakis, giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) nói.
Trước đó, vào năm 2012, các nhà tâm lý học của Đại học Vanderbilt phát hiện, những người có chỉ số IQ cao có thu nhập trung bình tốt hơn. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng chỉ số IQ cao tương đối đáng tin cậy trong việc dự đoán thành công trong học tập, hiệu suất công việc, tiềm năng nghề nghiệp và khả năng sáng tạo.
Antonakis cho biết chỉ số IQ cao là những yếu tố dự báo cho sự thành công trong những nghề phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao như nhà vật lý, kỹ sư, bác sĩ giải phẫu thần kinh bởi nó là phép đo khả năng suy luận, xử lý thông tin và sử dụng để giải quyết một vấn đề.
Bên cạnh IQ, 5 kỹ năng và đặc điểm khác cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công sự nghiệp và hạnh phúc của một người như: Tính cách hướng ngoại và thân thiện; sự tự tin; cởi mở với những trải nghiệm mới; khả năng tổ chức; kỹ năng giao tiếp nổi trội.
Antonakis chỉ ra, IQ gắn liền với trí thông minh, mà theo quan điểm hiện đại, đó là khả năng học hỏi. Khả năng học hỏi của bạn càng lớn, bạn càng biết cách cải thiện bản thân, tiếp thu các kỹ năng mới và đưa ra quyết định thông minh, và nhờ vậy, bạn càng có nhiều khả năng thực hiện tốt công việc và thăng tiến trong sự nghiệp.
Dù vậy, nhiều nghiên cứu khác cho thấy chỉ số IQ thấp không đồng nghĩa với việc một người sẽ có một cuộc sống không thành công hoặc không viên mãn, thậm chí IQ cao quá mức chưa hẳn là tốt.
Nghiên cứu của Antonakis cho thấy những nhà lãnh đạo có chỉ số IQ cao sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bạn quá thông minh, mọi người sẽ không hiểu được bạn, thậm chí họ có thể thấy bạn quá xa cách. Người lãnh đạo quá thông minh sẽ có một khoảng cách lớn với nhân viên và khó lãnh đạo họ.
Do đó, bên cạnh IQ, giao tiếp là chìa khóa. Antonakis đơn cử các nhà lãnh đạo như Barack Obama, Bill Clinton hoặc Margaret Thatcher và Winston Churchill, những người đã sử dụng kỹ năng giao tiếp và sự lôi cuốn của mình để trình bày các chiến lược vĩ mô theo cách dễ hiểu, nhằm thu phục được nhiều người theo dõi. Do đó, Antonakis cho rằng EQ thực sự là một yếu tố bổ sung hoàn hảo của IQ. "Nếu bạn là một nhà lãnh đạo đủ thông minh, bạn sẽ tìm ra cách truyền đạt ý tưởng của mình hấp dẫn nhất có thể", chuyên gia nói.
Antonakis kết luận, người có chỉ số IQ cao nhất chưa chắc đã thành công nhất nhưng họ chắc chắn có một khởi đầu thuận lợi.
(Theo CNBC)