Phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), xét xử vụ sai phạm tại “ Tịnh thất Bồng Lai ” đã khép lại với bản án tuyên phạt tù giam cả 6/6 bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, án sơ thẩm không tuyên bắt tạm giam ngay ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), người bị kết luận có vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Điều này cũng đặt ra những tình huống pháp lý với ông này sau phiên tòa sơ thẩm.
Trở về nhà sau khi Tòa kết án
Theo nội dung bản án, ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) là người sự chỉ đạo, điều hành, phát triển điểm tu tại gia của bà Cao Thị Cúc thành “Tịnh thất Bồng Lai”, sau đó đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Ông Vân cũng là người có vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo còn lại lập, quản lý, sử dụng, đăng tải trên các kênh Youtube.
Chính bị cáo Vân là người duyệt để đăng các clip có nội dung vi phạm pháp luật lên các trang mạng xã hội. Hành vi của các bị cáo đã xuyên tạc xúc phạm đến uy tín, danh dự của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ), phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Bản án tuyên phạt ông Vân 5 năm tù, 5 bị cáo còn lại bị phạt từ 3 đến 4 năm tù.
Trước đó, ông Lê Tùng Vân được tại ngoại và sau khi tòa tuyên án, 5/6 bị cáo được đưa trở lại trại tạm giam, riêng ông Lê Tùng Vân lên ô tô trở về nhà.
Nhiều “kịch bản” tiếp theo
Theo một Kiểm sát viên hiện đang công tác tại một viện kiểm sát ở TPHCM, vì bản án liên quan ông Vân mà TAND huyện Đức Hòa tuyên tối 21/7 không tuyên bắt giam ngay bị cáo, do đó các “kịch bản” tiếp theo sẽ xảy ra: Kịch bản thứ nhất, nếu bản án sơ thẩm này không bị kháng cáo, kháng nghị thì 30 ngày kể từ ngày tuyên án (21/7), bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.
Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì các bị cáo trở thành những người bị kết án. Trong vòng 7 ngày tiếp theo, Chánh án TAND huyện Đức Hòa sẽ ra quyết định thi hành án, gửi cho những người bị kết án.
Trong vòng 7 ngày tiếp theo nữa kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, ông Lê Tùng Vân phải có mặt tại cơ quan Thi hành án hình sự huyện Đức Hòa để thi hành án.
Kịch bản thứ hai là, trong trường hợp bản án sơ thẩm nói trên của TAND huyện Đức Hòa có kháng cáo, kháng nghị thì sau khi tòa phúc thẩm TAND tỉnh Long An tuyên án mà có tuyên ông Vân phạm tội và phải chịu án tù giam, thì trong 10 ngày kể từ ngày tuyên án, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Long An sẽ gửi bản án cho tòa sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa.
Trong vòng 7 ngày, tòa sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án và gửi cho ông Vân. Trong 6 ngày tiếp theo, ông Vân phải có mặt tại cơ quan Thi hành án huyện Đức Hòa để thi hành án.
Theo luật sư Lê Thị Bích Chi (Đoàn luật sư TPHCM), ông Vân có thể bị bắt để thi hành án tù, nếu ông không có kháng cáo hợp lệ và Viện Kiểm sát không có kháng nghị hợp lệ liên quan đến tội danh và hình phạt áp dụng đối với ông khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Việc chấp hành án phạt tù đối với ông Vân trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự 2019.
Nếu ông Vân có kháng cáo hợp lệ hoặc Viện Kiểm sát có kháng nghị hợp lệ liên quan đến tội danh và hình phạt áp dụng đối với ông Vân, thì lúc này bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và phải đợi kết quả xét xử phúc thẩm. Ông Vân chấp hành tốt các cam đoan về áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, thì sẽ được tiếp tục áp dụng biện pháp này cho đến khi có bản án phúc thẩm.
Nếu bản án phúc thẩm vẫn tuyên ông Vân có tội và áp dụng hình phạt tù đối với ông Vân thì căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 347 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, HĐXX cấp phúc thẩm có thể ra quyết định bắt tạm giam ông Vân ngay sau khi tuyên án. Trường hợp ông Vân không bị bắt tạm giam ngay sau khi tuyên án thì việc chấp hành án được thực hiện như đối với trường hợp án sơ thẩm có hiệu lực đã nêu ở trên, trừ trường hợp ông Vân được hoãn thi hành án theo quy định tại Điều 24, 25 Luật Thi hành án hình sự 2019.
Cũng theo luật sư Lê Thị Bích Chi, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm (nếu có), nếu ông Vân có dấu hiệu vi phạm các cam đoan khi áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hiện nay, chẳng hạn như: Bỏ đi khỏi nơi cư trú khi chưa được cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép; Không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; Đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này, thì cấp phúc thẩm có quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Vân từ “Cấm đi khỏi nơi cư trú” sang bắt để tạm giam.