Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 4/5, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm.
Theo đó, lãi suất quỹ liên bang của Fed sẽ dao động trong khoảng 0,75 - 1%. Theo CME Group, thị trường kỳ vọng lãi suất chuẩn tại Mỹ sẽ tăng lên phạm vi 2,75 - 3% vào cuối năm nay.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, ngân hàng trung ương Mỹ còn phát tín hiệu sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán quy mô 9.000 tỷ USD. Kế hoạch này sẽ bắt đầu từ tháng 6 tới, theo từng giai đoạn.
Cụ thể, từ ngày 1/6, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau ba tháng, mức giảm đối với trái phiếu Kho bạc và các khoản thế chấp sẽ lần lượt tăng lên 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.
Trong thời kỳ dịch bệnh, Fed đã mua lượng lớn trái phiếu để giữ lãi suất ở mức thấp và duy trì dòng tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng vọt đã buộc các quan chức Fed phải suy nghĩ lại về chính sách tiền tệ.
Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Jerome Powell cho hay: “Lạm phát đang ở mức quá cao và chúng tôi hiểu khó khăn mà người dân gặp phải. Chúng tôi đang khẩn trương khắc phục tình trạng này”.
Ông Powell đặc biệt lưu ý gánh nặng lạm phát đối với những người có thu nhập thấp, theo CNBC. Chủ tịch Fed khẳng định: “Chúng tôi cam kết mạnh mẽ rằng giá cả sẽ ổn định trở lại”.
Điều đó có nghĩa là, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong thời gian tới. Song, dường như ông Powell đã hàm ý rằng Fed sẽ không trở nên quá “diều hâu”.
“70 điểm cơ bản không phải là điều mà FOMC đang tích cực xem xét”, Chủ tịch Fed bày tỏ, mặc dù thị trường đã nghiêng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 6 tới.
“Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh và có thể chấp nhận chính sách tiền tệ thắt chặt hơn”, Chủ tịch Powell cho hay. Đồng thời, ông dự đoán nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm bất chấp chính sách tiền tệ bị siết chặt.