Bé Khoa có các triệu chứng bất thường cách đây hai tháng, diễn tiến ngày càng nặng hơn. Kết quả chụp MRI 3 Tesla tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy bé Khoa có khối u não kích thước 3,5-4 cm chiếm gần hết não thất 4 (khoang chứa dịch não tủy).
Ngày 17/4, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết khối u đè ép vào mặt sau thân não, chặn dòng chảy của dịch não tủy, gây tăng áp lực nội sọ dẫn đến các triệu chứng đau đầu dữ dội và nôn ói kéo dài. "Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ bị phù gai thị, teo dây thần kinh thị giác và mù vĩnh viễn", bác sĩ Tấn Sĩ nói, thêm rằng ca phẫu thuật phức tạp, nhiều thách thức do vị trí tổn thương gần thân não và tiểu não. Kỹ thuật gây mê cho trẻ khó hơn nhiều so với người lớn, đòi hỏi cân bằng nội môi và chuẩn bị kỹ lưỡng tránh nguy cơ mất máu.

Bác sĩ Tấn Sĩ xem xét vị trí khối u và các cấu trúc não khác của bé Khoa trước cuộc mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau hội chẩn, êkíp quyết định ứng dụng kỹ thuật BrainPath - phương pháp phẫu thuật não tiên tiến xâm lấn tối thiểu để mổ cho bé Khoa, kết hợp hệ thống định vị dẫn đường thần kinh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) Neuro Navigation và kính vi phẫu AI K.Zeiss Kinevo 900 có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới.
Thay vì cắt bỏ mô não như phẫu thuật mở truyền thống, kỹ thuật sử dụng ống chuyên dụng obturator để đẩy mô não sang hai bên, tạo lối vào an toàn và chính xác. Công nghệ AI từ hệ thống định vị thần kinh, kính vi phẫu giúp bác sĩ định vị, tiến vào não, loại bỏ khối u chuẩn xác, tránh tổn thương các cấu trúc lân cận, nhất là vùng gần thân não. Bác sĩ tách khối u khỏi các cấu trúc bám dính như màng, dây chằng nhỏ, kết hợp máy cắt hút siêu âm Cusa để phá vỡ, hút bỏ phần lớn khối u.
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, mục tiêu là lấy tối đa khối u, khôi phục dòng chảy dịch não tủy, giảm áp lực nội sọ, đưa thân não của bệnh nhi về trạng thái bình thường mà không gây tổn hại mô thần kinh. Hậu phẫu, bác sĩ lấy được gần 80% khối u, hơn 20% phần u tiếp giáp thân não được giữ lại để tránh nguy cơ tổn thương các cấu trúc quan trọng. Sinh thiết mô bệnh học xác định u màng nội tủy dạng tanycyte - một loại u thần kinh đệm, mọc ở trong hoặc cạnh hệ thống não thất.
Ba ngày sau phẫu thuật, bé Khoa bắt đầu nhận biết người thân, thị lực cải thiện, không còn đau đầu, nôn mửa. Một tuần sau, bé tự ăn uống nhẹ, thị lực và các chức năng vận động dần phục hồi.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết tiên lượng của u màng nội tủy dạng tanycyte thường tốt nếu phẫu thuật thành công và không có biến chứng. Trường hợp của bé Khoa, 20% khối u còn lại nằm ở vị trí nhạy cảm gần thân não sẽ tiếp tục được hóa xạ trị để loại bỏ.

Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u não cho Khoa bằng các công nghệ tích hợp AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
U màng nội tủy dạng tanycyte thường gặp ở trẻ em hoặc người trẻ. Các dấu hiệu điển hình bao gồm đau đầu, nôn ói thường nặng hơn vào ban đêm hoặc rạng sáng - thời điểm áp lực trong sọ cao nhất. Triệu chứng có thể giảm tạm thời sau mỗi lần nôn. Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng khác có thể bao gồm đầu to bất thường, thóp căng, dáng đi loạng choạng, run tay chân hoặc rối loạn ngôn ngữ.
Nếu trẻ bị đau đầu kéo dài, nôn mửa không rõ nguyên nhân, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi khám để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |