Chứng khoán

Dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư ngoại sẽ ‘đổ bộ’ vào TTCK Việt Nam

Dự kiến FTSE sẽ xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam từ tháng 9/2024

Theo báo cáo chuyên mục mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra, trong đánh giá gần nhất của MSCI và FTSE, năm 2023, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK).

Một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm: thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP; cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tính minh bạch cũng như chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường (thời gian, ngôn ngữ bằng tiếng Anh); hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật; vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng như quy trình đăng ký tài khoản mở mới cho nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là trở ngại lớn nhất đối với quá trình nâng hạng thị trường đồng thời để đảm bảo được các tiêu chí nâng hạng thì có những thách thức rất lớn với bản thân doanh nghiệp, cơ quan quản lý do yêu cầu bảo đảm toàn vẹn khả năng chống chịu rủi ro của thị trường.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính, UBCKNN, sở giao dịch chứng khoán cùng các thành viên đã rất nỗ lực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng, nâng cao hiệu quả vận hành thị trường.

Nhóm phân tích đánh giá một số các tiêu chí như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, cho vay chứng khoán và bán khống là những vấn đề cần thời gian để cải thiện. Mặc dù vậy, đây chưa phải là các yếu tố bắt buộc cần có để được nâng hạng. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới (KRX) vận hành chính thức trong thời gian tới sẽ là một điểm đáng lưu ý đối với 2 tổ chức xếp hạng cho các kỳ đánh giá tiếp theo trong 2024 đối với TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, những trở ngại cần tháo gỡ của thị TTCK Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào Bộ Tài chính, UBCKNN mà còn phụ thuộc vào các bộ, ngành khác, nhất là phía Ngân hàng Nhà nước. Để vượt qua được những khó khăn này cần có chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chủ động, đồng bộ, khẩn trương của các bộ, cơ quan liên quan để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025.

Trong thời gian tới một số mốc thời gian và sự kiện đáng chú ý cần theo dõi về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam nhà đầu tư cần lưu ý như: báo cáo đánh giá phân loại thị trường định kỳ hàng năm của các tổ chức xếp hạng thị trường – đặc biệt là nhận xét của FTSE; tiến độ thực tế triển khai hệ thống KRX; hành động của cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc; diễn biến của khối ngoại, ETF trên thị trường; quan điểm của các bộ và cơ quan ngang bộ có liên quan đến việc phối hợp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường.

BSC dự kiến theo tiến trình, TTCK Việt Nam khả năng được FTSE xem xét nâng hạng chính thức từ tháng 9/2024 đến tháng 3/2025 và FTSE chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025.

Nguồn: BSC.

Dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ “đổ bộ” vào TTCK Việt Nam

Trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như: tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm TTCK Việt Nam và vị thế quốc gia; doanh nghiệp trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng; tăng cường tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư; đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, ETF tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ bộ” vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn.

Theo dữ liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 từ Bloomberg, hiện đang có 491 quỹ với tổng quy mô 956 tỷ USD bao gồm 180 ETF (quy mô 421 tỷ USD) và 311 quỹ mở có thông tin (quy mô 533 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE. Trong đó tỷ trọng số lượng các quỹ tham chiếu theo MSCI (87%) nhiều hơn so với FTSE (13%).

Xét riêng khu vực ASEAN5 đối với 04 thị trường: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines có tổng cộng 240 quỹ với tổng giá trị tài sản 859 tỷ USD, trong đó bao gồm 135 quỹ mở (quy mô 490 tỷ USD – với tổng giá trị đầu tư 13,12 tỷ USD) và 105 ETF (quy mô 369 tỷ USD – với tổng giá trị đầu tư 19,04 tỷ USD) đang phân bổ tài sản vào 04 thị trường này.

Nguồn: BSC.

Theo ước tính của BSC, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư sẽ xem xét về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia để phân bổ danh mục đầu tư phù hợp, do đó con số này có thể sẽ thấp hơn thực tế khi Việt Nam đang là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, đang tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới và được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao.

Do Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE nên trong tương lai gần, TTCK Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp. Khi FTSE Russell chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3-1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD (tương đương với quy mô TTCK Philippines hiện tại).

Danh mục cổ phiếu đáng chú ý khi Việt Nam được nâng hạng

Bên cạnh các bộ chỉ số bao quát chung, phân bổ ở các quốc gia theo tỷ trọng, MSCI và FTSE cũng sẽ có các bộ tiêu chí dành riêng cho từng thị trường để các Quỹ tham khảo và tham chiếu – phần lớn các ETF sử dụng để đầu tư vào các thị trường theo phân loại của MSCI, FTSE.

Cùng với các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30-Index do SGDCK Tp Hồ Chí Minh ban hành, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp TTCK Việt Nam được các tổ chức nâng hạng thị trường.

BSC thực hiện tổng hợp 20 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất thuộc các ETF ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam theo đó có tổng cộng 31 cổ phiếu thuộc 6 ETF ngoại cần chú ý, trong đó có 15/30 cổ phiếu VN30-Index gồm: HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH.

Nguồn: BSC.

Đối với những cổ phiếu hết “room-ngoại” các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư chứng chỉ quỹ ETF VN-Diamond hoặc sản phẩm NVDR trong tương lai (nếu có).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm