Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong kỳ đạt 336 tỷ đồng, tăng 12,8% so với quý 4/2022. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng của ngân hàng đạt gần 275 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Trong quý 4 vừa qua, nguồn thu chính của VietABank là thu nhập lãi thuần tăng tới 56,3%, lên mức gần 890 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 63,9%, đạt 26 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng chứng khoán đầu tư mang về hơn 243 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ 2022. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng tới 280%, lên xấp xỉ 123 tỷ đồng.
Tính chung các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động của VietABank trong quý 4/2023 đạt 1.185 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần quý 4/2022. Đồng thời, ngân hàng đã giảm được gần 10% chi phí hoạt động, xuống còn hơn 239 tỷ đồng. Qua đó giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh quý 4/2023 tăng mạnh, đạt gần 946 tỷ đồng (gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2022).
Nhờ kết quả trên, lợi nhuận trước và sau thuế của VietABank đã tăng trưởng so với quý 4/2022, bất chi phí dự phòng tín dụng cao gấp 21 lần. Tuy nhiên, đà lao dốc mạnh trong 3 quý đầu năm khiến lợi nhuận lũy kế cả năm 2023 đi lùi so với năm 2022.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VietABank đạt hơn 928 tỷ đồng, giảm 16,2% so với năm 2022 và chỉ thực hiện được 73% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính vẫn đến từ chi phí dự phòng tăng gấp 11 lần năm 2022 trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh nhờ các nguồn thu chủ chốt đều diễn biến tích cực.
Với con số trên, VietABank là ngân hàng tiếp theo ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2023 Trước đó, đã có 6 ngân hàng báo cáo lợi nhuận đi lùi là Techcombank, TPBank, PGBank, BVBank, ABBank và Eximbank.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.207 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm, thấp hơn trung bình của nền kinh tế (tăng trưởng 13,7%). Tiền gửi khách hàng ở mức gần 86.700 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm.
Vào cuối tháng 12, nợ xấu nội bảng của VietABank ở mức 1.100 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2022 nhưng đã giảm so với mức 1.660 tỷ đồng vào cuối quý 2 và 1.130 tỷ đồng vào cuối quý III. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đã hạ xuống còn 1,59%, gần ngang bằng so với đầu năm (1,53%).