Chứng khoán

Dòng tiền lớn hướng tới, liệu cổ phiếu ngân hàng có sóng trở lại?

Dòng tiền lớn giao dịch cổ phiếu ngân hàng

Trong nhịp điều chỉnh của thị trường, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán cùng nhà đầu tư đẩy mạnh mua ròng, tạo lực cầu đỡ lượng cổ phiếu bị nhóm cá nhân trong nước bán ra. Cổ phiếu ngân hàng trở thành nhóm tâm điểm của dòng tiền tự doanh khi cổ phiếu bất động sản, chứng khoán bị chốt lời giai đoạn trước.

Theo dữ liệu của Algo Platform, trong 4 phiên mua ròng 22 - 27/9, khối tự doanh công ty chứng khoán đã mua ròng 1.264 tỷ đồng (cả khớp lệnh và thỏa thuận) trên sàn HOSE. Trong đó, giá trị vào ròng cổ phiếu ngân hàng đạt 930 tỷ đồng, chiếm 74% tỷ trọng mua ròng toàn khối. Phiên 28/9, khi dòng tiền đảo chiều, nhóm cổ phiếu vua trở thành tâm điểm ở chiều bán ra với 357 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng có động thái cùng chiều tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng được mua nhẹ với trị giá hơn 66 tỷ đồng. So với tự doanh, nhà đầu tư mua vào ít hơn đáng kể do đa phần các quỹ đều đã nắm tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng trong danh mục, nhiều mã ưa thích trong trạng thái hết room.

Đơn cử với quỹ VEIL quy mô 1,9 tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý, cổ phiếu ngân hàng thường xuyên chiếm trên 1/3 giá trị danh mục đầu tư. Cuối tháng 8, quỹ phân bổ tỷ trọng 34,5%. Hay trường hợp Pyn Elite Fund (Phần Lan), các mã STB, CTG, MBB, HDB, VNFin Lead ETF nằm Top10 khoản đầu tư, chiếm 43% danh mục.

Tổng quan về xu hướng dòng tiền ngoại tại nhóm ngân hàng, mặc dù cho tín hiệu đảo chiều trong 1 tuần gần đây, cổ phiếu vua vẫn là nhóm bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm. Ngoại khối đã bán ròng trên 10.000 tỷ đồng, tâm điểm các mã như EIB (4.787 tỷ đồng), STB (2.673 tỷ đồng), VPB (1.448 tỷ đồng), MSB (1.345 tỷ đồng).

Nhà đầu tư nước ngoại đã sang tay lượng lớn cổ phần EIB cho nhóm trong nước thông qua giao dịch thỏa thuận. Đây là mã ngân hàng được ưa hành đầu của khối tự doanh, khi nằm trong danh mục của nhiều công ty chứng khoán thời điểm cuối quý II.

Con trai ông Ngô Trí Dũng, Chủ tịch VPBank đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu VPB. Ảnh: Hoàng Linh. 

Bên cạnh hai dòng tiền lớn trên, hoạt động mua của nội bộ và người có liên quan tại các ngân hàng khá nhộn nhịp. Đầu tháng 9, bà Hồ Thủy Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank (Mã: TCB), đã mua hơn 82 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ lên mức 2,97%. Ước tính số tiền mã bà Thủy Anh chi ra quanh 2.880 tỷ đồng.

Thông tin mới đây nhất, ông Ngô Chí Trung Johny, con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị của VPBank (Mã: VPB)- ông Ngô Trí Dũng, đăng ký mua 70 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 1,04% vốn với mục đích đầu tư. Các giao dịch dự kiến diễn ra trong tháng 10.

Liên quan đến VPBank, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận việc nhận đủ hồ sơ liên quan đến chào bán riêng lẻ. Theo kế hoạch, VPBank phát hành riêng lẻ 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược - Sumitomo Mitsui Banking (SMBC) đến từ Nhật Bản. Giá trị phát hành theo mệnh giá đạt 11.905 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng kể từ đầu năm, xu hướng phân hóa mạnh diễn ra khi nhiều mã tăng giá với các câu chuyện riêng như tăng vốn (VCB, LPB), xử lý nợ xấu (STB), chuyển sàn (NAB), thoái vốn - đổi chủ (PGB). Hàng tỷ cổ phiếu được cung ra khi các ngân hàng trả cổ tức đã được thị trường hấp thụ.

Nhưng nếu so với các nhóm nổi bật nhất như chứng khoán, bất động sản, thép, cổ phiếu ngân hàng khá mờ nhạt, chỉ đồng pha trong những nhịp ngắn (1 - 3 phiên). Nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường đã bị bỏ lại trong bộ quen thuộc 3 năm trước đó "bank, chứng, thép". Với những chuyển biến dòng tiền vừa nêu trên, liệu cổ phiếu ngân hàng có trở lại trong giai đoạn tới?

Tiềm năng và những vấn đề đang phải đối mặt của nhóm ngân hàng

Tại báo cáo ngành cập nhật tháng 9, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định định giá của ngành ngân hàng được đánh giá vẫn còn hấp dẫn. P/B hiện tại là 1,59x, thấp hơn mức định giá trung bình 5 năm, đạt 1,93x.

Ở khía cạnh rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp diễn nhiều khó khăn, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động, hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến và nợ xấu gia tăng cao hơn ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

 

Định giá P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nguồn: TPS.

 

 

Tín dụng tăng trưởng thấp là một vấn đề đối với nhóm ngân hàng. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Trong khi đó kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 là 14 - 15%. Nhu cầu vốn của doanh nghiệp yếu dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1 – 1,5% trong giai đoạn vừa qua.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng đang phải đối mặt bởi sự suy giảm chất lượng tài sản, nợ xấu gia tăng. Thống kê của SSI Research cho thấy nợ xấu trong quý II vẫn trong xu hướng tăng, với 11 điểm phần trăm. Nhưng điểm sáng xuất hiện khi nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các ngân hàng thương mại nhà nước hay một số đơn vị khác đã chậm lại so với quý I/2023 và quý IV/2022.

Nhìn sang những điểm tích cực của nhóm cổ phiếu này, theo khối phân tích của TPS, kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi dần và tăng mạnh trong quý cuối của năm nhờ vào 3 yếu tố.

Thứ nhất, nhiều chính sách tích cực của Chính phủ nhằm hỗ trợ toàn nền kinh tế tháo gỡ khó khăn. Thứ hai, thị trường xuất nhập khẩu đang dần khởi sắc và kỳ vọng sẽ phục hồi ở những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 khi hầu hết các quốc gia đang đi tới giai đoạn cuối cùng của chính sách thắt chặt tiền tệ, các yếu tố vĩ mô đang phục hồi và đi vào ổn định sẽ thúc đẩy tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Thứ ba, giải ngân đầu tư công đã có nhiều tích cực cả về tỷ lệ đạt kế hoạch và tốc độ tăng trưởng.

Cùng với thanh khoản dồi dào do chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian qua sẽ là các động lực cho tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. Tuy nhiên, MBS nhận địnhnhững ngân hàng có chất lượng tài sản ít suy giảm hơn trong nửa đầu đầu năm có dư địa đẩy tín dụng cao hơn.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm