Ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục hút thêm gần 20.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 0,7%/năm. Như vậy, trong 6 phiên giao dịch liên tiếp, NHNN đã hút ròng gần 90.000 tỷ đồng.
Sau động thái liên tiếp hút ròng của NHNN, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và các kỳ hạn ngắn đã có dấu hiệu nhích lên. Điều này đã gây ra lo ngại về việc NHNN sẽ quay lại thời kỳ lãi suất cao sau khi liên tục hút tiền về qua kênh tín phiếu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia động thái trên không đồng nghĩa với sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ mà chỉ là một bước đi để đối phó với việc tỷ giá tăng cao.
Hút ròng quá lớn có thể gây ra hiểu lầm với thị trường
Đánh giá về động thái của NHNN, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược (NHNN) cho hay, đúng là có đang áp lực tỷ giá khá lớn nhưng nếu NHNN hút ròng quá nhiều nếu không cẩn thận sẽ gây ra tâm lý lo ngại rằng NHNN đang thắt chặt tiền tệ. Điều ảnh sẽ ảnh hưởng đến thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Theo ông, mặc dù tăng trưởng tín dụng năm nay không cao nhưng tổng thể tiền trong nền kinh tế cũng không quá dư thừa do một lượng lớn nằm ở ngân sách cho đầu tư công chưa bơm ra được thị trường. Vì vậy, nếu hút tiền quá mạnh có thể khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn. Chỉ khi nào tín hiệu tiền từ ngân sách giải ngân ồ ạt được thì mới cần thiết hút về nhiều qua thị trường mở.
Ông Hoè khuyến nghị, cần phải có sự cân bằng đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để tạo ra tác động tích cực cho thị trường hơn là dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ.
Chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FIDT Research cũng dự báo rằng, NHNN sẽ tiếp tục hút thanh khoản đến khi chạm mục tiêu về tỷ giá hoặc chạm giới hạn về ưu tiên nền thanh khoản hỗ trợ kinh tế. Hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.
Theo ông Tuấn, trong ngắn hạn, NHNN đang phải đồng thời thực hiện cả hai nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các ngân hàng, mặt khác tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông.
Dù vậy, ông cũng khuyến nghị, lượng hút vào chỉ nên vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng.
Tỷ giá năm nay sẽ không quá khó khăn
Lý giải về động thái hút ròng liên tiếp qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, NHNN theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đưa ra những động thái điều hành để ổn định tỷ giá.
"NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá", Phó Thống đốc nói.
Động thái hút ròng của NHNN là do diễn biến tỷ giá liên tục tăng trong thời gian gần đây. Chỉ số USD Index (DXY) tăng cao lên mức trên 106 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên về dài hạn, theo một số chuyên gia năm nay câu chuyện tỷ giá sẽ không quá khó khăn.
TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM nhận định: "Từ nay đến cuối năm, tỷ giá có thể tiếp tục tăng thêm 2 - 3% nữa ở những thời điểm nhu cầu cao, nếu chúng ta cho phép điều đó. Sau đó với nguồn tiền từ kiều hối và xuất khẩu chảy về thì tỷ giá sẽ bình ổn trở lại".
Theo ông Huân, tỷ giá tăng cao đang mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn, khi vượt qua giai đoạn áp lực kép kèm với cán cân thương mại thặng dư mạnh vào cuối năm sẽ không phải quá lo lắng về tổng cán cân thanh toán.
"Thay vào đó, nên cho phép tỷ giá dao động trong biên độ lớn hơn, và chấp nhận giảm giá VND trong ngắn hạn, qua thời gian này tôi tin chắc tỷ giá sẽ ổn định trở lại như cuối năm 2022", ông Huân nói.
Đồng quan điểm, ông Hoè cũng cho rằng, thặng dư thương mại hiện ở mức 20 tỷ USD là một nguồn ngoại tệ khá dồi dào. Bên cạnh đó, độ mất giá của tiền đồng cũng chưa đến mức quá quan ngại.
Năm ngoái, NHNN đã nới biên độ dao động tỷ giá lên 5% và hiện độ mất giá của tiền đồng vẫn ở tầm kiểm soát. So với các nước trong khu vực, VND mất giá không nhiều, khoảng 3,7% và ngay cả khi tỷ giá tăng trên 4% so với đầu năm thì vẫn có thể chấp nhận được. Việc tiền đồng mất giá đôi chút sẽ hỗ trợ xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.
NHNN cũng đang có một nguồn dự trữ ngoại tệ rất lớn và vẫn đang tiếp tục mua vào, ước tính hiện có thể đạt 100 tỷ USD nên không thiếu công cụ để NHNN bình ổn tỷ giá.
Về vấn đề lãi suất, theo ông, mức độ liên thông của thị trường 2 và thị trường 1 khá thấp, độ trễ rất lớn. Bằng chứng là NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất trong nửa đầu năm nay nhưng tác động không quá lớn đến lãi suất cho vay mà mới chỉ ảnh hưởng đến lãi suất huy động. Vì vậy, chuyên gia dự báo NHNN có thể sẽ không tiếp tục hạ lãi suất trong bối cảnh tỷ giá diễn biến phức như hiện nay.