Tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng của ADB cho rằng việc điều hành lãi suất ở Việt Nam có mục tiêu tương đối rõ ràng trong tương quan với tỷ lệ lạm phát. Các nền kinh tế phát triển duy trì lãi suất cao do lạm phát của họ vẫn cao, chưa giảm về mức mục tiêu. Trong khi lạm phát của Việt Nam ở mức vừa phải.
"Trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất thực không nên cao quá bởi sẽ xảy ra hiện tượng rút tiền ra khỏi hoạt động đầu tư kinh doanh, người dân tăng cường gửi tiết kiệm, nghĩa là giảm tiêu dùng hiện tại, khuyến khích tích lũy để tiêu dùng tương lai. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang khó khăn, nên khuyến khích tiêu dùng hiện tại, không khuyến khích tích lũy tương lai", ông nói.
Đại diện ADB cho rằng lãi suất thực vẫn dương nhưng ở mức phù hợp, kể cả trong trường hợp lạm phát nhích lên do chính sách mở rộng và do hoạt động kinh tế sôi động trở lại.
Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất bị thu hẹp nhiều bởi trước đây lãi suất của Việt Nam 6-7%, lạm phát 3-4%, hiện lãi suất điều hành xuống 4,5%, lạm phát có thể tăng lên khoảng 4% nên dư địa điều hành lãi suất bị thu hẹp lại.
Ông cũng nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế diễn biến đến đâu.
Trước đó, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam cho biết tăng trưởng thấp và lạm phát ở mức vừa phải dẫn đến việc Việt Nam theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Trong tháng 6 năm 2023, NHNN, đã giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành thứ 4 trong năm nay.
Lãi suất tái cấp vốn giảm còn 4,5%, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 3%, và lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cũng giảm tương ứng 1%.
Để hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn, vào ngày 23/4, NHNN đã cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng và giữ nguyên nhóm nợ cho đến ngày 30/6/2024.
Tuy nhiên, theo ADB, nhu cầu tín dụng vẫn yếu, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế thực. Tăng trưởng tín dụng ước đạt 9,3% trong nửa đầu năm 2023, so với mức tăng trưởng 16,8% của cùng kỳ năm trước. Tổng phương tiện thanh toán giảm còn 5,3% trong nửa đầu năm 2023 từ mức 9,2% cùng kỳ năm trước.
ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống còn 5,8%, dự báo lạm phát cũng giảm xuống. Các yếu tố chính tác động đến nền kinh tế là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và những biến động địa chính trị trên thế giới.
Hiện NHNN vẫn đang ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, thể hiện ở việc chính sách tiền tệ nới lỏng đi ngược với chính sách của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới. Giới chuyên môn cũng dự báo NHNN sẽ chưa đảo chiều chính sách tiền tệ và nhiều khả năng còn một đợt hạ lãi suất nữa vào cuối năm.
Mới đây, trả lời về vấn đề tỷ giá gần đây có ảnh hưởng đến việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối chứng khoán Dragon Capital cho hay chênh lệch giữa lãi suất của Việt Nam và Mỹ, những nhu cầu ngắn hạn của doanh nghiệp tạo ra biến động tỷ giá. Tuy nhiên biến động trong biên độ +/-1% là chuyện bình thường và nên làm quen với điều đó.
Ông cũng nhận định dòng tiền USD vào Việt Nam hiện tương đối tốt, thể hiện qua cán cân thương mại từng quý đang rất cao. Ngoài ra sai số trong cán cân thanh toán không còn cao.
"Từ tháng 6 trở đi, vấn đề tỷ giá đã không còn quá lo ngại do biến động tỷ giá chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tương đối cao. Đợi đến khi Mỹ không thắt chặt chính sách tiền tệ. DYX giảm xuống, Việt Nam sẽ có rất nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ", ông Tuấn nói thêm.