Tài chính

Doanh nghiệp xoay xở với biến động tỷ giá

Đặc biệt, giá USD tăng khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá lớn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt đang phải tìm cách xoay xở trong thực tế trên.

Quý cuối năm, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Tràng An dự kiến sản xuất khoảng 3.000 tấn bánh kẹo cung ứng cho thị trường trong nước. Nguyên liệu chính mà doanh nghiệp sử dụng là bột mì nhập khẩu. Trong bối cảnh tỷ giá liên tục biến động khiến giá bột mì có thể tăng từ 10 - 20%, thay vì tự nhập khẩu, doanh nghiệp phải tìm đến một nhà cung cấp chuyên nhập khẩu bột mì từ nước ngoài với số lượng lớn để tận dụng được ưu thế về giá.

"Qua một công ty thứ 3 và gần như để họ phân phối cho các nguyên liệu chính, sẽ làm việc với họ giá theo từng quý để làm sao đảm bảo nguyên liệu và đảm báo giá thành", ông Đỗ Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Tràng An, cho biết.

Doanh nghiệp xoay xở với biến động tỷ giá - Ảnh 1.

Giới chuyên gia nhận định việc tăng giá USD có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhưng không lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoàng Hải chuyên nhập khẩu thiết bị âm thanh cao cấp từ châu Âu. Khi đồng Euro giảm, doanh nghiệp chưa kịp hưởng lợi, phía đối tác đã ngay lập tức tăng giá sản phẩm. Để giữ giá bán đến tay người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lợi nhuận.

"Đồng Euro của họ hạ giá thì họ sẽ tăng giá trị lên khoảng 10 - 15% tương ứng. Ví dụ như đồng Euro trước 28 giờ xuống 24 thì họ sẽ tăng tương ứng lên 28 bằng giá vật tư, vật liệu. Do đó chúng tôi phải chấp nhận những khoản bù lỗ những chi phí trong giai đoạn hiện nay", ông Bùi Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoàng Hải, cho hay.

Theo giới chuyên gia, tính đến nay VND đã mất giá khoảng 3,6%. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất trong quý 4 và có thể duy trì đến đầu quý 2 năm sau thì áp lực với VND vẫn là khá lớn, do đó các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước cần chuẩn bị phương án để ứng phó thích hợp.

"Theo khuyến nghị của chúng tôi, các doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ hoặc các hợp đồng tương lai ngoại tệ đối với các ngân hàng để chủ động trong nguồn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, máy móc cho sản xuất", ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư & Quản lý Tài sản, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nêu quan điểm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định việc tăng giá USD có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhưng không lớn. Bởi hiện nay, VND đang được các cơ quan chức năng giữ ở mức ổn định so với nhiều đồng tiền khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm