Doanh nhân

Doanh nghiệp họp khẩn tìm giải pháp ứng phó thuế suất 46%

Tóm tắt:
  • Doanh nghiệp Việt Nam sốc trước mức thuế suất xuất khẩu 46% vào Mỹ, cao vượt dự đoán.
  • Các ngành hàng bị ảnh hưởng gồm đồ gỗ, dệt may, điện tử, thép và thủy sản.
  • Xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 dự kiến đạt gần 119,6 tỷ USD, nhưng lo ngại về giảm sút kim ngạch.
  • Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa sản xuất và đa dạng hóa thị trường, nhất là ở châu Âu.
  • Chính phủ và cơ quan nhà nước cần hỗ trợ tìm thị trường mới và đàm phán với Mỹ.

Chiều 2-4 tại Mỹ (rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hơn 180 nền kinh tế, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế 46%.

Mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho Việt Nam ảnh hưởng lớn đến hàng loạt ngành nghề như đồ gỗ nội thất, dệt may, điện tử, thép, thủy sản…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 119,6 tỉ USD, tăng 23,1% so với năm trước.

Trong đó, kim ngạch các ngành xuất khẩu chủ lực như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỉ USD, tăng 36,3% so với năm trước, chiếm 19,4% tỉ trọng xuất khẩu; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỉ USD, tăng 21,1% so với năm trước, chiếm 18,4%. Xuất khẩu dệt may đạt 16,1 tỉ USD, chiếm 13,5% tỉ trọng xuất khẩu…

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết từ sáng đến giờ liên tiếp nhận các cuộc gọi chỉ 1 chủ đề duy nhất: Mỹ áp thuế quá cao đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Mức thuế chung đối với các thị trường xuất khẩu vừa được chính phủ Mỹ công bố ngày 2-4

Mức thuế chung đối với các thị trường xuất khẩu vừa được chính phủ Mỹ công bố ngày 2-4

"Với thuế suất chung cho Việt Nam lên đến 46%, các doanh nghiệp dệt may lo lắng mức thuế suất sẽ cao ngoài dự đoán đối với hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu dùng hàng Việt tại Mỹ và khiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm sút" – ông Tùng nói.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM, cho biết ngay sáng nay sẽ họp trao đổi với các hội viên, trao đổi cung cấp thông tin chính xác về mức thuế mới của Mỹ cũng như đưa ra một số kiến nghị đề xuất.

Về phía doanh nghiệp, ngay trong sáng 3-4, TCM có cuộc họp với khách hàng Mỹ để thông tin tình hình và thương lượng lại chính sách giá, tinh thần là chia sẻ khó khăn cùng nhau. Hướng sắp tới, doanh nghiệp buộc phải tiếp tục tối ưu hóa sản xuất để giảm chi phí. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, đặc biệt là thị trường châu Âu thông qua các Hiệp định thương mại như EVFTA. 

"Những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi biết có những doanh nghiệp đến 90% kim ngạch xuất khẩu đến từ Mỹ" – ông Tùng lo ngại.

Xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn

Xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thì cho rằng các doanh nghiệp bị sốc, tạm thời chưa biết phải ứng phó thế nào khi Mỹ áp mức thuế chung cho Việt Nam cao tới mức không thể tưởng tượng được.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu mức thuế cao như vậy vẫn được duy trì, xuất khẩu sụt giảm, dòng vốn FDI vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ giảm, từ đó có tác động tiêu cực lớn đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam trong năm 2025. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước phải nỗ lực tìm mọi biện pháp để ứng phó.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cần phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á để thay thế thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do quy mô thị trường nhỏ hơn và khó khăn trong việc làm ăn với các đối tác mới.

Song song đó, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất, điều chỉnh mẫu mã sản phẩm và kết nối với các chuỗi giá trị khác để cùng nhau tìm kiếm thị trường.

"Các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục đàm phán với phía Mỹ để tìm giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, cần phải có các biện pháp tạm thời như tìm việc làm tạm thời cho công nhân, điều chỉnh sản xuất để duy trì hoạt động của doanh nghiệp" – ông Doanh nói.

Các tin khác

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.