Trà là thức uống lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các loại trà đều có tác động tích cực đến lượng đường trong máu, bởi việc này phụ thuộc vào cách bạn uống và loại trà bạn sử dụng.
Một số loại trà ngọt chứa nhiều đường chắc chắn sẽ làm tăng lượng đường trong máu, trong khi các loại trà khác không thêm đường, có thể giúp giảm lượng đường này.
Dưới đây là một số lời khuyên để tránh làm tăng mức đường huyết của bạn với loại đồ uống này.
1. Trà ngọt làm tăng lượng đường trong máu
Các loại trà ngọt thường chứ nhiều đường, có thể làm tăng đường huyết
Trà ngọt là loại trà đá được pha với đường hoặc các chất làm ngọt. Cho dù là trà được mua ở các cửa hàng hoặc tự làm thì loại trà này đều gây hại cho sức khỏe nếu uống quá nhiều.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường và khả năng bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Bởi vì ăn hoặc uống các thực phẩm nhiều đường sẽ trực tiếp dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
2. Trà xanh có chứa EGCG
Trà xanh từ lâu được biết đến là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Loại đồ uống này có thể giúp chữa đau đầu, thúc đẩy giảm cân và cải thiện tinh thần tỉnh táo. Ngoài ra, trà xanh cũng có lợi cho bất kỳ ai đang cố gắng giảm lượng đường trong máu.
Sara Chatfield, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Denver (Mỹ), chia sẻ trên kênh y tế HealthCanal: "Trà xanh có các hợp chất polyphenol có lợi, EGCG đã được chứng minh là có lợi cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu".
3. Trà chua rất tốt cho lượng đường trong máu
Trà hoa dâm bụt - vị cứu tinh của đường huyết và người cao huyết áp
Trong khi trà ngọt thường làm tăng lượng đường trong máu, thì các loại trà chua, chẳng hạn như trà hoa dâm bụt, được làm từ cây hoa dâm bụt lại có tác dụng ngược lại. Loại trà này được chứng minh là có khả năng giúp ổn định lượng đường trong máu và là liều "thuốc thần kỳ" cho người cao huyết áp.
Theo nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ), trà dâm bụt không chỉ có lợi cho việc giảm lượng đường trong máu mà còn có tác dụng giảm huyết áp hiệu quả, vì phần lớn những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng bị cao huyết áp.
4. Trà giúp cơ thể tránh mất nước
Uống trà mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng rõ ràng nhất là trà giúp cơ thể tránh mất nước. Khi mất nước, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đồng thời lượng đường trong máu cũng tăng đáng kể. Do đó, trà giúp trì hoãn và ngăn ngừa sự khởi phát của đường huyết và các bệnh mãn tính.
5. Trà đen làm giảm lượng đường trong máu
Trà đen có lợi cho đường huyết
Mặc dù trà ngọt không lý tưởng để giữ lượng đường trong máu ổn định, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải loại bỏ trà ra khỏi chế độ ăn uống của mình, thay vào đó, hãy chọn trà đen.
Một nghiên cứu từ Đại học Mahidol ở Thái Lan cho thấy trà đen là "một chất chống tiểu đường đầy hứa hẹn để kiểm soát đường huyết", có nghĩa là loại trà này giúp giảm lượng đường trong máu hiệu quả.
Uống trà sai cách – hại nhiều hơn lợi
1. Thích lúc nào uống lúc đấy
Thời gian uống trà cần được cân nhắc để mang lại lợi ích cho sức khỏe, tránh phản tác dụng khi sử dụng trà. Theo đó, bạn nên dùng trà vào buổi sáng sau bữa ăn từ 30 phút – 1 tiếng đồng hồ. Điều này không những có tác dụng giúp trí não trở nên tỉnh táo, cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn giúp bạn hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn được tốt hơn.
Tuyệt đối không uống trà ngay khi vừa ngủ dậy hay lúc dạ dày rỗng, bởi các chất có trong trà sẽ khiến dịch vị dạ dày bị loãng đi. Nếu duy trì kiểu uống này lâu ngày rất có khả năng bị viêm loét dạ dày. Ngoài ra, không uống ngay trong lúc ăn vì chất tanin trong trà sẽ khiến việc hấp thu chất sắt của cơ thể gặp khó khăn, gây thiếu sắt về lâu dài.
Với những người bị mất ngủ hoặc có tiền sử bệnh, nhạy cảm với caffeine không nên uống trà vào tối muộn. Nếu có sử dụng, cần uống trước khi ngủ từ 2 – 3 tiếng với liều lượng được pha loãng hơn thông thường.
2. Uống trà quá nóng
Uống trà quá nóng là một trong những sai lầm mà nhiều người dễ mắc phải. Theo các chuyên gia, việc uống trà nóng khiến chất tanin trong trà bị hòa tan, chất dầu thơm bị bốc hơi, đồng thời vitamin C và nhiều dưỡng chất khác sẽ bị phân hủy, chuyển đổi thành chất có hại cho sức khỏe.
Do đó, khi uống trà, người dùng chỉ nên duy trì nhiệt độ nước khoảng 60 – 80oC và không nên uống trà quá nguội sẽ gặp trường hợp bị lạnh bụng.
3. Uống trà cùng đường hoặc sữa quá thường xuyên
Thỉnh thoảng bạn có thể thêm sữa hoặc đường để tăng hương vị cho những tách trà, nhưng không nên quá thường xuyên.
Trà cho thêm đường hoặc sữa là thức uống rất hấp dẫn nhưng cũng đi kèm việc tăng lượng chất béo hấp thu vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến lượng đường huyết trong máu. Thỉnh thoảng bạn có thể uống như vậy, nhưng sử dụng thường xuyên, liên tục thì không nên. Đối với trà xanh, khi cho thêm sữa, các chuyên gia cũng cho rằng sẽ làm giảm tác dụng ngăn ngừa các căn bệnh về tim mạch.
4. Uống trà quá đặc
Trà càng đặc thì lượng caffeine chứa bên trong càng nhiều. Do đó, khi sử dụng với liều lượng nhiều sẽ gây cảm giác bồn chồn, tim đập nhanh, không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, không phải ai cũng có khả năng hấp thụ được caffeine, một số người bị dị ứng có thể bị tình trạng say trà: chóng mặt, nhức đầu, run tay chân… Vì vậy, hãy uống trà với liều lượng đúng, pha theo hướng dẫn để có được hương vị nhẹ nhàng, vừa phải. Trà đặc cũng chứa lượng tanin cao, sử dụng lâu dài khiến cơ thể bị thiếu vitamin B.
5. Uống trà khi đang có bệnh
Một số trường hợp được bác sĩ khuyên tuyệt đối không sử dụng trà. Những người mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, tim mạch, thiếu máu, các bệnh về sỏi thận, loét dạ dày, cao huyết áp, táo bón… trà không phải là thức uống bổ sung phù hợp. Với những người bị cao huyết áp, việc uống trà chỉ khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao thêm chứ không hề tốt cho sức khỏe.
Theo Eatthisnotthat/ Ảnh: Shutterstock