Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Do đó, nếu không chú ý đến thói quen ăn uống, chúng có thể phá hỏng nội tạng của bạn bất cứ lúc nào. Dưới đây là một số thói quen ăn uống bạn nên từ bỏ để bảo vệ sức khỏe của mình.
1. Không ăn sáng
Bỏ bữa sáng sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến cơ thể mệt mỏi và không được tỉnh táo. Nhịn ăn sáng sẽ làm cho mật không có thức ăn để tiêu hóa, lâu dài dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ mật tiết ra sẽ dễ gây ra tình trạng sỏi mật.
Ngoài ra còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường type 2, viêm loét dạ dày, suy giảm miễn dịch, béo phì, táo bón…
2. Uống không đủ nước
Việc uống nước không đủ sẽ khiến cơ thể mất nước, dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác liên quan đến sức khỏe như huyết áp sẽ hạ thấp, nhịp tim tăng dẫn đến lưu lượng máu đến não chậm. Niêm mạc dạ dày mất nước có thể dẫn đến tăng lượng acid trong dạ dày và dễ gây ra chứng ợ nóng, cuối cùng tạo điều kiện gây viêm loét dạ dày. Đặc biệt, nguyên nhân hàng đầu gây ra sỏi thận cũng là do cơ thể thiếu nước. Vì vậy mọi người nên uống nhiều nước để bảo vệ cơ quan quan trọng này.
3. Ăn quá mặn
Lượng muối lớn đưa vào cơ thể do thói quen ăn mặn sẽ khiến chúng ta phải uống nhiều nước, làm tăng khối lượng máu tuần hoàn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Ăn quá mặn cũng sẽ ảnh hưởng tới thận, khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Ngoài ra, muối còn tương tác với vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày và tá tràng, rất nguy hiểm.