1. Chọn đúng chế độ làm lạnh phù hợp
Sử dụng sai chế độ lạnh là một trong những nguyên nhân khiến điều hoà không hoạt động đúng mục đích, gây lãng phí điện năng.
Trên bảng điều khiển điều hòa, người dùng thường sử dụng chế độ tự động (Auto), làm mát (Cool), làm khô (Dry) hoặc chế độ quạt (Fan)... Bạn chỉ nên chọn chế độ Cool khi cần làm lạnh nhanh và giữ nhiệt độ phòng ổn định như mức đã được chọn ngay từ đầu. Chế độ Fan, máy làm lạnh sẽ tắt và quạt vẫn chạy. Chế độ này nên dùng khi cần lưu thông không khí trong phòng nhưng không cần làm lạnh.
Chế độ Dry sẽ được bật lên để làm giảm độ ẩm trong phòng. Chế độ phù hợp với những ngày mưa gió khi độ ẩm bên ngoài cao. Thời gian sử dụng chế độ này khoảng 1-2h đồng hồ. Nếu sử dụng lâu dễ ảnh hưởng đến làn da như khô da tay, da cơ thể, khô giác mạc, khô niêm mạc mũi...
2. Thiết lập nhiệt độ phù hợp
Nhiều người có thói quen đặt nhiệt độ trong phòng thấp. Thói quen này vừa không tốt cho sức khỏe lại vừa lãng phí điện năng. Người dùng nên sử dụng điều hòa tại mức nhiệt trung bình từ 25-27 độ C. Đây là mức nhiệt phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Ngoài ra, tại mức nhiệt này cường độ làm việc của máy sẽ giảm giúp tiết kiệm điện hơn.
Vào ban đêm, bạn nên tăng điều hòa thêm 1-2 độ C so với ban ngày, trong khoảng 25-29 độ C. Ngoài ra người dùng có thể sử dụng chế độ ngủ đêm được bổ sung ở một số mẫu điều hòa mới hiện nay. Chế độ này hỗ trợ tăng dần nhiệt độ (thường mỗi giờ máy sẽ tăng 0.5 độ C và tối đa là 2 độ C) để tránh cho người dùng tỉnh giấc về đêm do cảm thấy lạnh. Khi máy tăng nhiệt độ cũng đồng nghĩa với công suất hoạt động giảm và tiết kiệm điện hơn.
3. Không nên bật/tắt liên tục
Nhiều người dùng có thói quen ra khỏi phòng là lập tức tắt máy điều hòa và bật lại khi thấy lạnh. Tuy nhiên, đây là một sai lầm làm tốn điện thêm và còn nhanh hỏng máy. Khi bật máy trở lại, máy điều hòa phải tiêu tốn rất nhiều điện năng nhằm khởi động máy nén, động cơ quạt và để làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu. Vì khi đó nhiệt độ trong phòng đã nóng lên vài độ, đến mức cơ thể cảm nhận được.
Thao tác Bật/Tắt liên tục cũng khiến điều hòa giảm độ bền. Theo lời khuyên, hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.
Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt máy, bạn nên ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy). Vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ một lượng điện năng. Ngoài ra, việc ngắt điện vào máy còn để phòng tránh các trường hợp chập điện, gây hư hỏng cho máy.
4. Sử dụng điều hòa kết hợp quạt
Khi sử dụng điều hòa, bạn nên kết hợp cùng quạt điện. Việc dùng quạt giúp lưu thông không khí trong phòng nhanh hơn và phân bổ khí mát từ điều hòa đều hơn mà không cần giảm nhiệt độ, từ đó, rút ngắn thời gian sử dụng điều hòa và tiết kiệm tối đa điện năng.
5. Vệ sinh, bảo trì máy lạnh
Máy lạnh giúp đưa không khí lạnh vào nhà, đồng thời hút khí nóng và các bụi bẩn ra ngoài. Quá trình hoạt động thường xuyên khiến bộ lọc không khí và hệ thống quạt gió bị tích tụ bụi bẩn. Nếu không vệ sinh định kỳ và thường xuyên sẽ gây tốn điện năng và giảm tuổi thọ của máy lạnh.
Không những thế, nếu máy lạnh không được bảo trì thường xuyên còn có nguy cơ gây ra các bệnh đường hô hấp cho người sử dụng như ho, viêm họng, viêm mũi...
Theo khuyến cáo, hệ thống máy lạnh là hệ thống kín. Khi máy lạnh có độ lạnh yếu hơn mức thông thường, bạn nên kiểm tra và vệ sinh máy. Nếu máy lạnh vẫn hoạt động bình thường, bạn có thể nhờ thợ vệ sinh dàn nóng và dàn lạnh theo định kỳ 3-4 tháng/lần.
Tổng hợp