Ngày 1/3, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) cùng Liên minh chống vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới thông báo chặn đường dây vi phạm bản quyền của Ustvgo trên toàn cầu. Khi truy cập website của dịch vụ, trình duyệt báo không thể kết nối đến máy chủ. Trước đó, trang này cùng loạt trang phụ như ustv247, watchnewslive cũng đưa ra thông báo "chúng tôi đã đóng cửa".
Theo ACE, Ustvgo là dịch vụ xem truyền hình lậu do một nhóm người Việt vận hành, nhắm đến khán giả toàn cầu với các chương trình giải trí bằng tiếng Anh. Trang này hoạt động từ 2018, cung cấp quyền truy cập bất hợp pháp vào hơn 100 kênh xem nội dung trực tiếp, trong đó có nhiều kênh của các thành viên liên minh. Dịch vụ trước đó bị một số nước như Malaysia, Indonesia và Singapore phát hiện vi phạm và chặn thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet, trước khi phải đóng cửa hoàn toàn.
"Những người vi phạm bản quyền ở Việt Nam cấu kết với một số dịch vụ trên thế giới, gây thiệt hại đáng kể cho thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời biến Việt Nam thành điểm nóng về vi phạm bản quyền", Jan van Voorn, người đứng đầu ACE nói.
Trước khi bị đánh sập, Ustvgo là một trong những dịch vụ xem truyền hình trực tuyến có lượt truy cập lớn trên thế giới. Trong các tháng cuối 2022, trang này có 16-17 triệu lượt truy cập, trong đó 3/4 là từ Mỹ. Theo TorrentFreak, Ustvgo từng được xếp hạng là một trong những dịch vụ stream phổ biến thế giới năm 2021 và tăng trưởng lượt truy cập nhanh trong hai năm qua.
Ustvgo chưa bình luận về thông tin trên. Tài khoản trên mạng xã hội của Ustvgo và kênh Discord của dịch vụ này không còn truy cập được.
Theo đại diện Liên minh Sáng tạo và Giải trí, vấn nạn vi phạm bản quyền video trực tuyến ngày càng phổ biến. Lượng người dùng trái phép năm 2022 khoảng 15,5 triệu, gây thất thoát 348 triệu USD, tương đương 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không được kiểm soát, đến 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng lên 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD.
Dẫn báo cáo của Media Partners Asia, ACE cho biết ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam tạo ra doanh thu 249 triệu USD năm 2022. Việc kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền được kỳ vọng giúp tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, từ đó tăng giá trị đầu tư cho nội dung video trực tuyến trong nước.
"Các biện pháp kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp 60% số thuê bao trái phép chuyển sang dịch vụ video theo yêu cầu chi phí thấp và phổ biến ở Việt Nam", đại diện ACE nói.