Năm 4 tuổi đó là lần đầu tiên Manu Muraro được tiếp cận với những tấm quảng cáo có kích thước lớn ngoài trời. Yêu thích lĩnh vực này, cô đã theo đuổi công việc sáng tạo quảng cáo.
Công việc đầu tiên của cô là nhà sản xuất và quản lý sáng tạo tại Cartoon Network trước khi nhận công việc giám đốc tiếp thị tại một công ty khởi nghiệp địa phương.
Khi bị sa thải vào năm 2016, Muraro đã tận dụng kinh nghiệm của mình để thành lập Your Social Team - công ty chuyên huấn luyện các nhà quản lý mạng xã hội.
Thời điểm đầu, cô chỉ bỏ 50 USD (1,1 triệu đồng) để đầu tư nhằm thuê một không gian làm việc chung để làm việc. Bắt đầu từ đây cô phát triển công ty của mình và đạt được mức thu nhập lên đến 70.000 USD/tháng (1,6 tỷ đồng).
Phóng viên của Insider đã có cuộc phỏng vấn với Muraro để lắng nghe chia sẻ về trải nghiệm của cô khi biến việc sa thải thành cơ hội mới, có mức thu nhập không tưởng. Dưới đây là kinh nghiệm của cô.
Manu Muraro
1. Bắt đầu với công việc freelancer
Công việc kinh doanh không dành cho tất cả mọi người. Cô thừa nhận bản thân chưa bao giờ kinh doanh. "Tôi luôn nghĩ rằng bản thân mình sẽ không thể làm tốt công việc này. Vì vậy thay vì lao vào thành lập một doanh nghiệp nhỏ, tôi bắt đầu trở thành một người làm việc tự do khi vừa bị sa thải. Mục đích của việc này nhằm cho bản thân một khoảng nghỉ trước khi bắt đầu công việc mới", cô chia sẻ.
Muraro cho rằng bất cứ ai muốn kinh doanh hay trở thành một freelancer nên thử nghiệm trước khi lao vào. Bởi nếu làm công ăn lương bạn sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích như bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ hay tiền lương được hưởng đều đặn. Trong khi đó nếu trở thành người sáng lập hoặc làm công việc tự do bạn không chắc rằng mình sẽ được hưởng lợi ích này.
Tuy nhiên trong nhiều lần tham gia các buổi phỏng vấn, Muraro dần cảm thấy thất vọng với các công việc cô ứng tuyển và những nhóm người cô có khả năng sẽ phải làm việc cùng. Những trải nghiệm không mấy hài lòng đó khiến cô nhận ra trở thành một freelancer trở nên hấp dẫn hơn. "Các khách hàng cũng đánh giá đúng năng lực của tôi hơn", Muraro nói.
2. Giữ quy mô ở mức hợp lý
Kế hoạch của cô là không bao giờ cần đến một nhóm lớn để xử lý công việc nên Muraro không thuê quá nhiều người. Thay vào đó, cô muốn mở rộng quy mô một cách hợp lý để dễ quản lý. Ngay từ đầu cô đã thuê một nhân viên kế toán để theo dõi tình hình tài chính của mình.
Trong 8 tháng đầu tiên, công ty của cô không có một logo chuyên nghiệp hay một trang web để quảng bá. "Tôi quảng bá bằng cách nói với những người quen của mình về công ty mà mình đang làm, tận dụng mạng lưới mối quan hệ để có thêm khách hàng đồng thời đăng tải trên Instagram về trình độ tiếp thị của tôi để nhằm xây dựng cộng đồng", Muraro bộc bạch.
Khi quyết định tổ chức sự kiện theo hình thức trực tiếp, cô thấy hợp lý nhất là thuê thêm các phòng họp trong không gian làm việc chung. Tôi đã hợp tác và trả tiền cho những KOL tại địa phương để phát biểu tại các sự kiện nhằm thu hút nhiều khán giả và người theo dõi hơn.
Hiện tôi có 6 nhân sự làm việc bán thời gian gồm giám đốc nội dung, chuyên gia PR và người viết nội dung cho các bản tin. Muraro luôn cân nhắc xem mình sẽ đầu tư nhiều thời gian hơn vào dự án nào.
3. Cung cấp chính xác những thứ khách hàng cần
Dịch vụ đăng ký của công ty của Muraro kết hợp với các giao dịch mua một lần tạo nên gần 70% doanh thu của cô vào năm ngoái. Cô cũng kiếm được tiền thông qua tư cách huấn luyện viên, bán khoá học trực tuyến, diễn giả hay đối tác thương hiệu và một số nguồn khác.
Một trong những quyết định kinh doanh tốt nhất mà tôi đã thực hiện là đầu tư vào chương trình đào tạo trước khi bắt đầu bán khoá học của mình. Việc làm này giúp cô đảm bảo rằng đang cung cấp đúng những điều mà học viên cần.
"Điều quan trọng đối với tôi là tung ra sản phẩm mà khách hàng của tôi thực sự được sử dụng. Nhờ thế tôi có thể giúp các nhà quản lý truyền thông xã hội khác thành công hơn trong công việc của họ".
Theo BI