Phở Thìn 13 Lò Đúc là cái tên không còn xa lạ gì với người Hà Nội, đặc biệt là những người sành ăn uống. Món phở nổi tiếng này được mở ra bởi ông Nguyễn Trọng Thìn từ năm 1979.
“Cha đẻ” Phở Thìn 13 Lò Đúc sinh năm 1952, ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng là một trong 4 học sinh xuất sắc lọt vào Khoa Điêu khắc của tường Mỹ thuật Công Nghiệp, khoá 68 - 69. Sau khi tốt nghiệp, ông Thìn công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, khoảng 7 năm và dành 2 năm làm việc tại Xưởng Mỹ Thuật Quốc gia. Những năm đó, do hoàn cảnh quá khó khăn cộng thêm niềm đam mê ẩm thực, năm 1979, ông quyết định bỏ cả xưởng mỹ thuật Quốc gia để làm hàng ăn. Và Phở Thìn 13 Lò Đúc bắt đầu ra đời từ ấy.
Ông Nguyễn Trọng Thìn.
Sau 44 năm, từ một quán phở nhỏ lụp xụp giữa lòng phố cổ Hà Nội, hàng phở đã trở thành địa chỉ thu hút người dân và du khách mỗi khi tới Hà Nội. Ngoài trụ sở chính là 13 Lò Đúc, thương hiệu phở này còn có nhiều cơ sở khác ở trong và ngoài nước.
Khác với những người khác lựa chọn lưu truyền thương hiệu bằng hình thức “cha truyền con nối”, ông Thìn lại không chọn giải pháp này. Trong một bài phỏng vấn được đăng tải trên VnEconomy vào năm 2021, ông Thìn từng tiết lộ lý do: “Tôi đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, tuy không giỏi công nghệ nhưng tôi hiểu xu hướng của thời cuộc. Hiện nay nếu chỉ làm theo kiểu cha truyền con nối hoặc anh em trong gia đình thì thương hiệu không phát triển rộng ra được và không bền vững”.
Ngoài ra, là một người luôn đau đáu về việc phát triển nền ẩm thực, ông Thìn cho biết, bản thân ông không đặt quá nhiều niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc duy trì nét đẹp của ẩm thực Việt. Ông từng chia sẻ với báo Dân Việt trong một bài phỏng vấn năm 2022 rằng: “Có một thực tại không vui mà chúng ta đều biết, có 95% những người thuộc thế hệ trẻ hiện đại không biết nấu nướng. Đó là nguyên nhân lớn nhất, cũng là điều khiến tôi buồn nhất. Ở lớp người như tôi đổ về trước, việc nữ công gia chánh rất quan trọng, hầu như ai cũng biết nấu và nấu ăn ngon. Còn hiện tại, chẳng mấy ai thực sự biết chế biến. Với tôi, nấu nồi cơm điện đã là không biết nấu cơm rồi…”.
“Chúng ta cứ nghĩ mình văn minh, nhưng đôi khi lại đang đánh mất những điều văn minh, những giá trị tốt đẹp mà không hề hay biết. Cũng không thể không nói một điều rằng, làm ẩm thực là một công việc thực sự vất vả. Tạo ra được món ăn đặc sắc đã khó, giúp định vị thương hiệu trong lòng khách hàng càng khó khăn hơn. Phải là người yêu nghề, kiên trì và bền bỉ. Thanh niên hiện nay tôi khen họ rất thông minh, thế nhưng thực tiễn lại không có nhiều những người đặt hết tâm huyết vào việc bếp núc, chế biến món ăn. Họ thường thích các thứ phải có ngay trước mắt. Thêm nữa, giữa các thế hệ luôn có những khoảng cách nhất định. Ngay tại gia đình tôi, các cháu cũng chẳng theo nghiệp của bố mẹ, dù Phở Thìn đã có thương hiệu rồi, không cần gây dựng”, ông Thìn nói với Dân Việt.
Đến nay, dù ở tuổi ngoài 70, ông Thìn vẫn nấu phở hàng ngày thay vì nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Với ông, việc đứng bếp nấu phở chính là cách ông tận hưởng cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc.
Thời gian gần đây, vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn với các “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong khi ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào thì ông Đoàn Hải Trung, CEO kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội lại khẳng định mình là Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn. Đồng thời, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội cũng khẳng định đã chuyển khoản cho ông Thìn gần 1,5 tỷ đồng để mở các chi nhánh kinh doanh dưới tên thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Thực tế, các công ty do ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung sở hữu đều chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đối với thương hiệu Phở Thìn. Theo công bố chính thức, tính đến ngày 26/2, tên gọi Phở Thìn xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau.
Vụ việc vẫn đang gây chú ý của dư luận.