Mục tiêu lãi 315 tỷ, đầu tư 2.340 tỷ trong năm 2023
Sáng ngày 1/4, CTCP Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, Mã: SGR) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại trụ sở công ty. Đại hội có sự tham dự của 64 cổ đông (trong đó 43 cổ đông trực tiếp dự), chiếm 86,02% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Đặng Văn Phúc, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ thường trực, chia sẻ thị trường bất động sản 2022 tiếp tục có những khó khăn về thủ tục pháp lý. Mặc dù đã được Chính phủ và các bộ ngành tích cực tháo gỡ, tuy nhiên trong thực tế nhiều vấn đề phát sinh vẫn chưa có hoặc chưa đầy đủ các hành lang pháp lý điều chỉnh dẫn đến kéo dài thời gian hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, công tác định giá tiền sử dụng đất để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính gần như không làm được do nhiều quy định chồng chéo cùng với tình trạng các đơn vị thẩm định giá gần như không hoạt động.
Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án gặp rất nhiều khó khăn, tâm lý của người dân khi áp dụng các quy định mới về đất đai khiến doanh nghiệp không thể thương lượng đền bù với người dân theo quy định, có dự án gần như bế tắc không thể triển khai do không đền bù được.
Saigonres vẫn tập trung đầu tư căn hộ chung cư, bên cạnh các sản phẩm nhà phố, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp,... tại một số địa phương.
Về kết quả kinh doanh, công ty đạt 654 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 216 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,8 lần về doanh thu và 4,6 lần về lợi nhuận so với năm 2021; tương đương 55,2% kế hoạch doanh thu và vượt 16,8% kế hoạch lợi nhuận năm. Tổng mức đầu tư trong năm đạt 284 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, công ty đặt mục tiêu đạt 906 tỷ đồng doanh thu và 315 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 38,5% và 45,8% so với kết quả đạt được trong năm 2022. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.340 tỷ đồng.
Mục tiêu tăng vốn lên 1.000 tỷ vào năm 2024
Trên kết quả đạt được trong năm 2022, HĐQT trình phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%/vốn điều lệ, tương đương 60 tỷ đồng. Thời gian chi trả cổ tức dự kiến trong quý III/2023.
Chia sẻ thêm về phương án chia cổ tức 2022-2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt 10% và 20%, ông Phạm Thu, Chủ tịch HĐQT, cho biết hiện nay quy mô phát triển của Saigonres rất lớn, trong khi vốn điều lệ của công ty không đáp ứng được một phần nhỏ cho kế hoạch nhiều năm sắp tới.
Nghị quyết của HĐQT trong năm 2020 đã đặt ra mục tiêu tập trung lợi tức để đến cuối 2023-2024 công ty nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Việc giữ lại lợi nhuận không chia trong hai năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu này.
"Riêng trong năm 2023 nếu hoàn thành kế hoạch, công ty có xấp xỉ 200 tỷ. Trường hợp thực hiện tốt hơn thì công ty có thặng dư 400 tỷ. Việc chia 10% tiền mặt trong bối cảnh hiện nay đã rất khó, trong bối cảnh các ngân hàng đều kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản. Đây là nỗ lực rất lớn của công ty", ông Phạm Thu chia sẻ.
Đang chuyển nhượng cụm dự án Thủ Đức, dự kiến nguồn thu 600-650 tỷ
Công ty đã ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng cụm dự án gồm Chung cư An Phú Riverview (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức); Chung cư An Phú Residences (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) cho Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside và nhận ký quỹ hơn 152 tỷ đồng từ đối tác trong năm 2022. Tổng mức đầu tư của hai dự án này trên 900 tỷ đồng.
Ông Phạm Thu thông tin thêm, hiện cụm dự án này chưa có đủ điều kiện chuyển nhượng (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đường vào,…). Saigonres vẫn đang bàn bạc với đối tác để chuyển nhượng. Ở kịch bản tích cực, nếu việc chuyển nhượng diễn ra thành công, công ty có thêm nguồn thu 600-650 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty đang đôn đốc để hoàn tất các thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà cho khách hàng tại các dự án: Chung cư An Phú Đông (quận 12), Chung cư An Bình (quận Tân Phú), Saigonres Plaza (quận Bình Thạnh),… nhằm thu hồi số tiền còn lại theo hợp đồng đã ký.
Mở rộng thị trường ra Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh
Liên quan đến kế hoạch phát triển dự án và mở rộng quỹ đất, Saigonres đang làm việc với các đơn vị liên quan và sẽ cân nhắc tham gia góp vốn thực hiện các dự án mới tại đường Xuyên Á Mộc Bài Tây Ninh, Củ Chi cũng như các tỉnh thành khác như Vũng Tàu, Phú Quốc, Đồng Nai,… Ngoài TP HCM, công ty sẽ triển khai các dự án ở phía Bắc như Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh,… để mở rộng thị trường.
Tính đến hiện tại, Saigonres cùng các công ty thành viên đã và đang quản lý, triển khai gần 20 dự án với tổng diện tích 1,2 triệu m2.
Cập nhật thêm về tiến độ tại các dự án trọng điểm, đối với Khu nhà ở Văn Lâm (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), dự án đã có giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương tách dự án của UBND tỉnh Bình Thuận. Công ty đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với các thửa đất đã đền bù (18,3 ha) và tiếp tục thương lượng với các hộ dân trong và ngoài ranh để kết nối liền ranh dự án.
Khu dân cư xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đang được giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại. Dự án này có quy mô 8 ha, do Saigonres hợp tác với CTCP Đầu tư và Phát triển Nhơn Trạch (Ree Land) theo tỷ lệ 49%-51%.
Có thể ghi nhận lãi còn lại tại cụm dự án Thủ Đức, mục tiêu lợi nhuận cả năm 315 tỷ đồng
Khu căn hộ - thương mại Phú Định Riverside (105 Bến Phú Định, phường 16, quận 8, TP HCM) đang được hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án.
Khu đô thị sinh thái Việt Xanh (xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) có quy mô 50 ha đã đền bù được 23,7 ha. Dự án đã được công nhận chủ đầu tư và công ty đang trình thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu nhà ở Sài Gòn An Phú (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã hoàn tất công tác đền bù, có quyết định 1/500 và đang hoàn tất các thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu nối hạ tầng.
Khu đô thị Saigonres Phú Quốc (Bắc Vũng Bàu - Phú Quốc ở xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có quy mô 30,8 ha đã đền bù được 28 ha và công ty đang thực hiện các thủ tục cần thiết để xác lập dự án theo quy định. Dự án này do Saigonres góp 46,96% vốn chủ đầu tư là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Thái Bình.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Phạm Thu, không riêng gì Saigonres mà hầu hết các dự án trên cả nước đều đang chậm tiến độ, chủ yếu do cơ chế, sự trì trệ ở tất cả quyết định.
"Tại dự án 72 ha Nhơn Trạch, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng một năm trời không có tiến triển. Chúng ta làm được như thế này đã tốt lắm rồi so với các đơn vị khác. Có nhiều thứ chúng ta biết, chúng ta muốn nhưng chưa thể làm được trong thời điểm hiện nay.
Về việc tăng tốc độ đền bù giải phóng mặt bằng như đề xuất của cổ đông, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đều rất khó khăn, giảm mạnh nhân sự, tiền lương không có để trả, áp lực nợ ngân hàng lớn.
Saigonres vay nợ ngân hàng rất ít là điều may mắn, tránh được áp lực rất nhiều. Trong khi lãi suất cho vay thời gian qua rất lớn, tiền đâu để chúng ta làm và với lãi suất cao như vậy có đáng để chúng ta làm hay không?