Khu vực rộng khoảng 3 ha trên đỉnh núi Tam Phương (thôn Lộc Ninh, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) được san phẳng, xây dựng nhiều công trình kiên cố như khu du lịch, là trang trại của ông Lê Văn Ninh, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh.
Một công trình xây trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận. Ảnh: THANH NHẬT Nhiều công trình kiên cố sắp hoàn thành
Từ Quốc lộ 1 theo đường huyện lên xã Tam Thành khoảng 7 km, rẽ phải theo đường bê tông vào khu vực núi Tam Phương. Đến cuối đường, rẽ phải lên đỉnh đồi, khu vực trang trại được rào chắn bằng lưới B40. Theo người dân, khu vực được xây dựng 3-4 năm trước với các hạng mục chăn nuôi, cây xanh nhưng gần đây ông Ninh cho xây dựng nhiều công trình kiên cố.
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM ngày 27-3, nhiều hạng mục sắp hoàn thành như đèn chiếu sáng, trang trí, hồ nước lớn… còn gần cuối khu vực là trang trại nuôi heo, dê. Khu đất có bốn nhà rường được xây dựng chắc chắn với khu vệ sinh riêng đã hoàn thiện. Nằm giữa khu đất là một ngôi nhà cấp 4. Xung quanh các công trình này được trồng các loại cây ăn trái như thanh long, ổi, vú sữa, cóc…
Theo ông VTĐ (ngụ thôn Lộc Ninh), khu vực này trước đây là đất trống, sau đó ông Ninh mua để trồng keo được hai mùa. Vài năm trước, ông san ủi làm trang trại, xây dựng các công trình như một khu du lịch sinh thái.
Các công trình trên đất chưa có giấy chứng nhận và ông Ninh giải thích là trang trại kiểu mẫu. Ảnh: THANH NHẬT
Xây dựng khi đất chưa được cấp sổ
Ông Lê Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Tam Thành, cho hay vị trí ông Ninh xây dựng trang trại là đất đấu giá từ nhiều năm trước và hiện đang làm nhà rường, nhà chòi bên trong.
Khi PV đặt vấn đề ông Ninh xây dựng các hạng mục kiên cố có được phép hay không, ông Chương trả lời: “Anh đi hỏi cơ quan chức năng chứ tôi không biết. Giấy tờ là do huyện cấp, xã không có quyền...”.
Về nguồn gốc khu đất khoảng 3 ha, ông Huỳnh Tuấn Nhật, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Ninh, cho hay giai đoạn 2003-2004 ông Ninh đấu giá trúng khu đất để làm trang trại. Hiện cơ quan chức năng đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho ông, loại đất nông nghiệp khác (được phép làm trang trại - PV).
“Người ta nói lợi dụng việc xây dựng trang trại để làm khu du lịch là chuyện của họ... Tôi làm đẹp theo đam mê, theo kiểu của tôi, vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ cuộc sống” - ông Ninh nói.
Theo ông Nhật, đất nông nghiệp khác thì được phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và phải được cơ quan nhà nước công nhận. Đất của ông Ninh đủ điều kiện để công nhận đất nông nghiệp khác nhưng có sự chậm trễ trong việc làm hồ sơ, cấp giấy chứng nhận.
Về câu hỏi “Đất đang trong quá trình làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhưng đã xây dựng công trình, có vi phạm hay không?”, ông Nhật lấp lửng, khó xác định vi phạm hay không và cho biết sẽ kiểm tra lại những công trình, xem xét tính phù hợp với mục đích sử dụng sau khi tiếp nhận phản ánh.
Ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, cho biết khu đất của ông Ninh đang trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Sau khi tiếp nhận sự việc, quá trình cấp giấy chứng nhận cơ quan chức năng sẽ tính toán xem xét hạng mục nào được phép, hạng mục nào không được phép.
“Việc xây dựng (trang trại của ông Ninh - PV) có một số hạng mục phục vụ chăn nuôi, tôi đã giao Phòng TN&MT kiểm tra, hướng dẫn lập thủ tục đầy đủ. Còn quan điểm của huyện, chuyện đúng sai thế nào sẽ làm theo quy định” - ông Chính nói.
Theo quy định, việc chăn nuôi trang trại phải tuân thủ Luật Chăn nuôi 2018 và Nghị định 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tuân thủ bảo vệ môi trường, khoảng cách với khu dân cư... và phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo quy mô chăn nuôi trang trại. |
Đã giao đất thì làm dù chưa có sổ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Lê Văn Ninh thừa nhận thửa đất này là của ông. Tuy nhiên, ông đã ủy quyền cho người thân quản lý, ông chỉ giám sát. Mục đích đấu giá ban đầu là để làm trang trại. Năm 2015, xã tiếp tục quy hoạch không gian đất trang trại, do đó phù hợp để xây dựng trang trại.
Nói về những công trình trong khuôn viên “trang trại” như khu du lịch sinh thái, ông Ninh giải thích: “Thực tế đó là không gian phục vụ trang trại như hồ chứa nước, nhà ở công nhân, khu trưng bày sản phẩm, sơ chế… Người dân nói tôi làm khu du lịch là chuyện của họ. Nếu tương lai có làm du lịch thì các thủ tục pháp lý về du lịch phải được cơ quan pháp luật cho phép. Còn bây giờ tôi làm đẹp theo đam mê, theo kiểu của tôi, vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ cuộc sống”.
Mặc dù khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng ông Ninh đã xây dựng quy mô. Ông cho rằng thủ tục đo đạc, cấp giấy chứng nhận tại địa phương mất nhiều thời gian, đã ba lần làm hồ sơ nhưng chưa được nên ông nghĩ Nhà nước đã giao đất thì có quyền làm.
Giải thích thêm về tính bề thế của công trình, ông cho hay các trang trại ở huyện hiện chỉ thuần không gian chăn nuôi nên muốn làm trang trại kiểu mẫu để giới thiệu các loại hình sản xuất, kinh doanh, tạo ra đặc trưng trang trại nông nghiệp địa phương.
“Do tính chất trang trí bề thế nhưng thực ra mấy công trình này lắp ghép trên các không gian xen kẽ trồng cây. Ở xa nhìn vào thì thấy vậy, chứ lại gần chỉ có mấy công trình lắp ghép sơ bộ… Ngay vị trí đó giữa đỉnh đồi, nếu làm không kiên cố thì dễ hư hỏng khi có gió mạnh, bão” - ông Ninh nói thêm.
Chưa có hồ sơ về trang trại Nói về “trang trại” này, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Vũ Văn Thẩm nêu quan điểm: Khách quan nhìn nhận thì ông Ninh đã quyết tâm, cố gắng vượt khó cải tạo một khu vực đồi núi cằn cỗi để chăn nuôi, trồng cây ăn quả, tạo không gian khang trang hơn. Đó là quyết tâm lao động, đam mê của đồng chí phó bí thư Huyện ủy. “Rất tiếc, khi mọi người lên chơi cứ nghĩ mọi chuyện pháp lý đều xong rồi nhưng hỏi ra mới biết pháp lý hơi chậm một chút, đó là điều sai sót, đáng buồn. Nếu việc cải tạo cùng với chuyện pháp lý hoàn chỉnh thì không có vấn đề gì, đằng này thủ tục pháp lý hơi chậm một chút” - ông Thẩm nói. Về vấn đề làm trang trại như khu du lịch, người đứng đầu Huyện ủy Phú Ninh cho rằng khu đất này được quy hoạch trang trại, việc làm trang trại là đúng, còn ông Ninh làm gì khác thì ông chưa rõ. “Bản thân là người đứng đầu, tôi đã mời đồng chí phó bí thư lên trao đổi, yêu cầu hoàn chỉnh thủ tục pháp lý” - bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói. Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết hộ ông Ninh hoặc người đại diện chưa có trong thống kê về chăn nuôi trang trại của huyện Phú Ninh cũng như Sở NN&PTNT. Theo ông Vũ, luật quy định những trang trại chăn nuôi từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về chăn nuôi, sau khi hoàn thành các thủ tục. “Nếu dưới 300 đơn vị vật nuôi, sở và UBND huyện cùng kiểm tra nhưng sở không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà chỉ kiểm tra các điều kiện về chăn nuôi nếu có đầy đủ hồ sơ. Còn hộ ông Ninh, sở chưa có văn bản nào đề nghị kiểm tra trang trại của ông này” - ông Vũ nói. |