CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2022, ghi nhận doanh thu đạt 5.198 tỷ đồng - tăng hơn 100 tỷ so với báo cáo tự lập và tăng gấp đôi so với năm 2022. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong năm thu về 1.173 tỷ đồng, tăng 131% nhờ bán chuối và bán heo tăng trưởng tốt trong năm.
Lợi nhuận ròng sau kiểm toán giảm 50 tỷ so với báo cáo tự lập trước đó, còn 1.129 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng.
2022 vẫn là năm HAGL tăng trưởng vượt bậc và chính thức lấy lại mốc lợi nhuận ngàn tỷ sau nhiều năm đánh mất. Dù vậy, lợi nhuận của công ty này vẫn đến chủ yếu từ hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.
Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2022, HAGL vẫn chưa thanh toán khoản vay đến hạn 279 tỷ đồng theo lịch thanh toán đã cam kết với Eximbank. Dư nợ của HAGL với Eximbank tại thời điểm này là 588 tỷ đồng.
Trong BCTC kiểm toán, kiểm toán viên tiếp tục nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế 3.341 tỷ đồng, và tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Nói về điều này, phía HAGL nhấn mạnh " Sang năm 2023, doanh thu từ trái cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn thu chính cho Tập đoàn. Tại ngày lập BCTC hợp nhất, Tập đoàn đã lên kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai. Tập đoàn cũng đã đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay và việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan.
Do đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban Tổng Giám đốc tiến hành lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục".
Đã sở hữu 99,75% vốn Lơ Pang với chênh lệch giá trị 1.860 tỷ đồng, song chưa hợp nhất vào chỉ số kinh doanh
Năm qua, giao dịch đáng chú ý là HAGL đã hoàn tất mua 50 triệu cổ phần, tương đương 99,75% vốn Lơ Pang với tổng giá trị chuyển nhượng là 2.384 tỷ đồng. Theo đó, Lơ Pang chính thức trở thành công ty con của HAGL từ ngày 31/3/2022. Tại ngày mua, Lơ Pang sở hữu diện tích đất canh tác nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai là 2.129ha. Theo HAGL, chênh lệch giữa giá trị đầu tư và giá trị tài sản thuần của Lơ Pang phát sinh từ giao dịch này là 1.860 tỷ đồng.
Dù vậy, Ban Tổng giám đốc HAGL xét thấy việc mua cổ phần Lơ Pang là mua tài sản, không phải hợp nhất kinh doanh, cụ thể là phần diện tích cho mục đích phát triển các cây trồng nông nghiệp và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi sau này. Giá phí của các giao dịch này được phân bổ cho các tài sản, nợ phải trả được mua dựa trên giá trị hợp lý tạm tính tương ứng của các tài sản, nợ phải trả đó tại ngày mua.
Theo đó, một phần giá phí phân bổ được hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang trên BCĐKT hợp nhất. Các tài sản, nợ phải trả được mua được trình bày cùng nhóm với các tài sản, nợ phải trả tương tự của Tập đoàn.
Được biết, Lơ Pang là công ty được thành lập hồi tháng 6/2020, hoạt động chính là chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Việc sáp nhập Lơ Pang và một công ty cùng ngành khác là Chăn nuôi Gia Lai đã được ĐHĐCĐ năm 2021 của HAGL thông qua.
Trong đó, Lơ Pang hoạt động song song với Chăn nuôi Gia Lai, nếu Chăn nuôi Gia Lai là phía đông thì Gia súc Lơ Pang là đảm nhận phía Nam. Bầu Đức từng chia sẻ, nếu làm chung sẽ không hiệu quả nên HAGL tách ra hai đơn vị. Riêng Lơ Pang đang nuôi sản lượng heo hơn 10.000 con, và 1.600ha chuối (trên tổng diện tích công ty này đang sở hữu là 2.129ha).
Lơ Pang và Chăn nuôi Gia Lai cũng là 2 đơn vị ghi nhận giao dịch giá trị lớn với HAGL trong năm. Riêng năm 2022, HAGL bán hàng hoá cho Lơ Pang với giá trị 99 tỷ đồng, song song đang cho vay 20 tỷ đồng. Đến cuối năm, mọi khoản phải thu từ Lơ Pang không còn.
Đang có khoản phải thu gần 4.000 tỷ đồng với Lê Me
Ngược lại, một đơn vị liên quan đáng chú ý khác với giá trị giao dịch lớn là Lê Me. Năm 2022, HAGL phát sinh giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần với giá trị 2.146 tỷ đồng, đang cho vay 715 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của HAGL với các bên liên quan là 3.951 tỷ đồng, riêng Lê Me chiếm 2.753 tỷ. Khoản phải thu về cho vay dài hạn là 1.717 tỷ đồng, Lê Me chiếm 149 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAGL cũng đang có các khoản phải thu khác với Lê Me trị giá 1.090 tỷ đồng.
Lê Me được thành lập vào 7/8/2018 tại 178 Hùng Vương, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây ăn quả. Người đại diện theo pháp luật là Giám đốc Lê Văn Thạch. Tháng 9/2019, công ty tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 483 tỷ đồng, đều là cổ phần phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cp. Cổ đông sáng lập là Nguyễn Ngọc Mai (là Giám đốc của Chăn nuôi Gia Lai), ông Lê Văn Thạch và Trần Quang Dung.