Số ca sinh tại Nhật Bản năm 2023 giảm 5,1% so với một năm trước đó, xuống còn 758.631 trẻ. Trong khi đó, số cặp đôi kết hôn năm 2023 lần đầu tiên giảm xuống dưới 500.000 cặp sau 90 năm.
"Tỉ lệ sinh đang suy giảm một cách nghiêm trọng. Thời gian 6 năm tới là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng này" - ông Yoshimasa Hayashi, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, nói với các phóng viên.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số Nhật Bản, dân số nước này có thể giảm 30%, còn 87 triệu người, vào năm 2070.
Tình hình cũng tương tự ở Hàn Quốc, với tỉ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm 2022 và có nguy cơ thấp hơn nữa trong năm 2023. Trước việc ngày càng nhiều người e ngại sinh con, các tập đoàn Hàn Quốc không ngừng mở rộng chương trình khuyến khích sinh sản.
Chẳng hạn, hãng sản xuất đồ lót Ssangbangwool ngày 22-2 thông báo hỗ trợ tối đa 100 triệu won (hơn 1,8 tỉ đồng) cho nhân viên mang thai. Nhân viên sẽ nhận 30 triệu won (hơn 555 triệu đồng) cho con đầu lòng, 30 triệu won cho con thứ hai và 40 triệu won (741 triệu đồng) cho con thứ ba.
Đầu tháng 2, công ty xây dựng Booyoung Group cho biết mỗi lần sinh con, nhân viên sẽ nhận được 100 triệu won - mức khuyến khích cao kỷ lục trong cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc.
Để thúc đẩy những chương trình như trên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuần trước ra chỉ thị cung cấp ưu đãi thuế và nhiều biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thế nhưng, theo báo The Korea Herald, nhiều người lao động ở Hàn Quốc cho rằng chỉ chi tiền là chưa đủ. Một số người thậm chí lo ngại ưu đãi về thuế của chính phủ có thể gây ra phân cực việc làm.
Thanh niên Trung Quốc cũng sợ sinh con, đến mức GS Triệu Yên Tinh của Trường ĐH Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) từng gây tranh cãi khi đề xuất phạt những người không sinh con và khen thưởng những người có con. Dân số Trung Quốc cuối năm 2023 là 1,409 tỉ người, giảm khoảng 2 triệu người so với cuối năm 2022.