CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2024, với doanh thu hơn 14,3 triệu USD (hơn 353 tỷ đồng) và lãi sau thuế 977.000 USD (khoảng 24 tỷ đồng), tăng lần lượt 43% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của TCM trong 9 tháng qua, kể từ tháng 5/2023.
Trong tháng đầu năm, doanh thu dệt may của TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may chiếm 75% tổng doanh thu, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8%.
Đối với thị trường xuất khẩu, châu Á chiếm gần 75% tỷ trọng doanh thu, dẫn đầu là Nhật Bản (gần 29%); Hàn Quốc (xấp xỉ 23%), Trung Quốc (gần 10%) và Việt Nam (hơn 6%).
Xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm 20%, trong đó Mỹ (hơn 12%) và Canada (7%). Trong khi tỷ trọng xuất khẩu EU chỉ chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu.
TCM xuất khẩu chủ yếu theo điều kiện FOB và nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa theo điều kiện CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí). Do đó, TCM cho rằng tình hình khủng hoảng Biển Đỏ trong thời gian quá ít ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển cũng như thời gian giao hàng của công ty.
Đến nay, TCM cho biết đã nhận vượt kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý I và đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết thực tế, những tháng cuối năm 2023, đơn hàng có cải thiện hơn những tháng trước, tuy nhiên đơn hàng nhỏ lẻ và giá thấp. Khách hàng họ lấy giá ở Bangladesh, áp sang Việt Nam. Nhưng thực tế rằng chi phí nhân công ở Bangladesh rất thấp.
Còn tại thị trường trong nước cũng có sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp hai miền Nam – Bắc. Giá thấp có nghĩa lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm đi. Tuy nhiên, công ty vẫn phải nhận đơn hàng để duy trì việc làm, sinh kế cho người lao động, chứ không thể tính toán lợi nhuận như trước kia nữa.
Ban lãnh đạo dự báo tình hình đơn hàng có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm nhất là tháng 4 và muộn nhất là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho doanh nghiệp dệt may.
Trong báo cáo mới công bố, SSI Research kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may sẽ dần cải thiện lên mức 14 - 15% từ mức 11-14% trong năm 2023 do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.