Lợi nhuận cao nhất lịch sử
Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán từ 13 công ty bảo hiểm niêm yết, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp năm 2023 đã đạt 5.388 tỷ đồng, tăng 34,9% so với 2022 và lên mức cao nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục của năm 2021 (5.226 tỷ đồng).
Ngoại trừ Tập đoàn Bảo Việt (Bảo Việt - Mã: BVH), các doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Do đó, cuộc khủng hoảng niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ không ảnh hưởng quá lớn tới kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết này.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,33% so với năm trước. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt gần 156.000 tỷ đồng, giảm 12,5%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 71.100 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%.
Xét về cơ cấu lợi nhuận, lãi từ kinh doanh bảo hiểm tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong khi lãi từ kinh doanh tài chính tăng mạnh.
Lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm của nhóm doanh nghiệp này giảm 43% so với cùng kỳ (đạt 2.595 tỷ đồng) thì lợi nhuận từ kinh doanh tài chính lại tăng 31%, đạt 14.233 tỷ đồng nhờ lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu 2023.
Mảng kinh doanh bảo hiểm chịu ảnh hưởng lớn từ kết quả kinh doanh của "ông lớn" Bảo Việt khi lãi gộp giảm sâu. Nếu loại trừ Bảo Việt, lợi nhuận gộp mảng kinh doanh này của các công ty còn lại (phi nhân thọ) vẫn tăng 13,5% so với năm 2022.
Hoạt động tài chính, mảng mang lại lợi nhuận chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm thường tập trung đầu tư vào tiền gửi và trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, những loại tài sản hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng lên. Ngoài ra, bất động sản và doanh nghiệp liên kết cũng được các doanh nghiệp bảo hiểm bỏ tiền đầu tư nhưng với quy mô khiêm tốn.
Chẳng hạn, báo cáo tài chính quý IV/2023 của Bảo Việt cho thấy, lãi suất của các khoản tiền gửi ngắn hạn lên đến 10,6%/năm, trong khi tiền gửi dài hạn là 10,4%/năm. Vào cuối năm ngoái, lãi suất các khoản tiền gửi ngắn hạn cao nhất chỉ là 9,1%/năm, còn tiền gửi dài hạn là 10,5%/năm.
Tương tự, báo cáo quý IV/2023 cho thấy lãi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn có lãi suất từ 6,55%/năm đến 8,9%/năm, trong khi vào năm ngoái, lãi suất những trái phiếu trên trong khoảng từ 6,5% đến 8,9%/năm. Phần lớn đầu tư ngắn hạn của Bảo Việt dưới dạng tiền gửi, còn dài hạn dưới dạng trái phiếu.
Trong năm 2023, các công ty bảo hiểm đã tăng cường các khoản đầu tư dài hạn (chủ yếu do Bảo Việt tăng số dư trái phiếu chính phủ thêm gần 18.000 tỷ đồng) và duy trì đầu tư ngắn hạn (số dư tăng 1% so với cuối năm 2022).
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như MIC, ABIC, BSH và AIC lại đi ngược xu hướng trên và tăng các khoản đầu tư ngắn hạn, trong khi giảm đầu tư dài hạn.
Bảng xếp hạng lợi nhuận các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn
Nhìn chung, nhờ kết quả tích cực từ hoạt động tài chính, 12/13 công ty đều báo lợi nhuận tăng trong năm 2023. Trong đó, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI - Mã: PTI) đã thoát lỗ gần 350 tỷ và thu về 252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Bảo Việt vẫn dẫn đầu về quy mô lợi nhuận, đạt 1.798 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Vị trí thứ hai thuộc về CTCP PVI (PVI - Mã: PVI) với lợi nhuận đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận sau thuế của PVI vượt cột mốc 1.000 tỷ đồng.
Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC - Mã: BIC) đã vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng lợi nhuận, mang về 457 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG - Mã: MIC) đang dẫn đầu toàn ngành, cao hơn cùng kỳ năm trước 76%. Các vị trí tiếp theo thuộc về Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC - Mã: AIC) và BIC.
Tuy nhiên, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH - Mã: BHI) lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 13% so với năm 2022, xuống còn 29 tỷ đồng.