Bất động sản

Đại gia bất động sản mạnh tay mua dự án "ngộp" tại thời điểm thị trường "đang xấu nhất trong nhiều năm nay"

Đại gia bất động sản mạnh tay mua dự án "ngộp" tại thời điểm thị trường "đang xấu nhất trong nhiều năm nay" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch HĐQT Khải Hoàn Land

Mạnh tay mua dự án "ngộp"

Tại sự kiện “Gỡ vướng địa ốc - thúc đẩy tăng trưởng” vừa được tổ chức, bà Đinh Nhật Hạnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (KHG) nhận định về tình hình thị trường bất động sản: "Ở thời điểm này, thị trường bất động sản đang xấu nhất trong nhiều năm nay, là thời cơ để tăng quỹ đất".

Trước tình hình "nghìn năm có một", thuận lợi cho việc gia tăng quỹ đất, theo chia sẻ của lãnh đạo Khải Hoàn Land cho biết, tập đoàn vẫn thực hiện chiến lược mua lại các dự án "ngộp".

"Hoạt động M&A dự án hay mua dự án “ngộp” thì không phải chiến lược mới, KHG thực hiện xuyên suốt. Từ đầu năm nay, KHG đã tiếp xúc nhiều quỹ đầu tư trong khu vực muốn kết hợp với đơn vị ở Việt Nam có hệ thống phân phối lớn, họ cũng đánh giá các dự án ở các địa phương.

Theo đó, KHG cũng tìm dự án phù hợp và phối hợp cùng đối tác ngoại, Công ty cũng sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch, đưa giải pháp nhà ở tối ưu cho khách hàng trong một dự án, chứ không phải chỉ đơn thuần bán thô", bà Hạnh chia sẻ.

Đại gia bất động sản mạnh tay mua dự án "ngộp" tại thời điểm thị trường "đang xấu nhất trong nhiều năm nay" - Ảnh 2.

Theo báo cáo của Ban Giám đốc công ty về tình hình phát triển quỹ đất, năm 2022 là năm KHG tiếp tục duy trì định hướng/mục tiêu phát triển khẳng định vị thế của doanh nghiệp đối với quỹ đất đang có triển vọng, tại các khu vực: Long An, Phú Quốc, Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh thành lân cận Tp. Hồ Chí Minh. Tập đoàn tiếp tục liên túc xúc tiến, hoàn thiện các bước pháp lý đối để nhanh chóng đưa dự án đi vào xây dựng.

Tại TP.HCM, KHG tích cực phối hợp với đơn vị hợp tác phát triển dự án để hoàn thiện thủ tục pháp lý và đẩy nhanh tiến độ dự án La Partenza để đảm bảo dự án thi công trong năm 2023.

Về chiến lược phát triển quỹ đất, dự kiến tính đến năm 2023, Tập đoàn sẽ phát triển quỹ đất lên đến hơn 1.000 ha, đủ để phát triển trong vòng 5 năm tới với các dự án chủ đạo gồm có La Partenza tại TP. Hồ Chí Minh, Helios Phú Quốc, dự án Gò Găng tại Vũng Tàu và các tỉnh thành lân cận.

Ngoài ra, Tập đoàn tiếp tục làm việc với các địa phương như TP.HCM, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc, Vĩnh Long, Bến Tre... để tiếp tục gia tăng quỹ đất trong thời gian tới.

Khải Hoàn Land kinh doanh ra sao?

Tập đoàn Khải Hoàn Land được biết đến là nhà phát triển và môi giới bất động sản hàng đầu tại thị trường phía Nam. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2009. Ngày 30/06/2021, Công ty được chấp thuận đăng ký niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh với mã cổ phiếu là KHG.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 27 vốn điều lệ của doanh nghiệp là hơn 4.494 tỷ đồng, tương ứng với 449.435.205 cổ phần. Tại ngày 31/12/2022, tập đoàn có 2 công ty con và 20 chi nhánh/văn phòng đại diện. Tổng số nhân viên của Tập đoàn (bao gồm cả cộng tác viên, nhân viên môi giới) là 5.573 người (tại ngày 31/12/2021 là 5.322 người).

Đại gia bất động sản mạnh tay mua dự án "ngộp" tại thời điểm thị trường "đang xấu nhất trong nhiều năm nay" - Ảnh 3.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 1.396,20 tỷ đồng, tăng trưởng 8,39% so với năm 2021, chủ yếu được ghi nhận từ hoạt động tư vấn, môi giới, đầu tư bất động sản cũng như những chính sách sắc bén và linh hoạt không ngừng gia tăng thị phần trên thị trường.

Tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng trên doanh thu thuần được giảm về mức 12,81 % trong năm 2022, so với mức 12 - 42 % trong giai đoạn 2017 - 2020. Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của KHG trong năm 2022 cũng cải thiện đáng kể đạt 48,38% so với mức 44,33% năm 2021. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 của Khải Hoàn Land đạt 585,13 tỷ đồng tăng trưởng 13,45% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của tập đoàn là 442,47 tỷ đồng, tăng trưởng 7,01% so với năm 2021.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của tập đoàn đạt 7.044,64 tỷ đồng, tăng so với đầu năm khoảng 1,1 lần (tổng tài sản đầu năm là 6.420,34 tỷ đồng).

Nợ phải trả của Tập đoàn tại ngày 31/12/2022 là 1.904,8 tỷ đồng chiếm 27,04% trong tổng cơ cấu tổng nguồn vốn, điều này cho thấy mức độ an toàn tài chính của Tập đoàn ở mức tương đối cao.

Trong năm 2022, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn tăng từ 4.697,38 đồng tại thời điểm đầu năm lên 5.139,85 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm. Nguyên nhân là do tập đoàn phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng làm tăng vốn điều lệ thêm 1.306,18 tỷ đồng (từ 3.188,17 tỷ đồng lên 4.494,35 tỷ đồng).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm