Đơn hàng từ nước ngoài đã có dấu hiệu chậm lại từ tháng 10 năm ngoái do kinh tế Mỹ và nhiều nước phương Tây gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.
Số liệu tăng trưởng xuất khẩu từ tháng 10 năm ngoái cũng cho thấy rõ xu hướng suy giảm rõ rệt. Thời điểm đó, Nikkei Asia cho rằng sóng gió đang đến với phần lớn châu Á, nhưng Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, bởi Mỹ và châu Âu là những khách hàng lớn nhất của nước ta.
Trong 5 tháng trở lại đây, xuất khẩu đã có 4 tháng tăng trưởng âm, chỉ duy nhất tháng 2 ghi nhận mức tăng trưởng dương 11,7%, trong khi đó nhập khẩu sụt giảm 5 tháng liên tiếp.
Những tháng đầu năm 2023, cả xuất, nhập khẩu đều ghi nhận mức giảm sâu nhất tính từ 2019, ngay cả trong giai đoạn COVID-19, lĩnh vực này cũng chưa từng sụt giảm mạnh đến như vậy.
Từ tháng 10/2022 đã ít việc, có nơi công nhân chỉ nhận 70% lương
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Tùng, phụ trách mảng hành chính nhân sự của một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh quy mô khoảng 2.000 lao động tại Hưng Yên cho biết hiện đơn hàng xuất khẩu gần như không có, nhà máy vẫn hoạt động như chủ yếu phục vụ đơn hàng trong nước, do ít việc nên công ty buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên và hưởng 70% lương cơ bản.
"Lương của một công nhân mới vào công ty khoảng 6 triệu đồng, ngoài ra hàng tháng có thêm trợ cấp từ 1-2 triệu đồng. Nhưng từ tháng 10 năm ngoái đã ít việc, đơn hàng nước ngoài rất ít, chúng tôi không còn cách nào khác phải cho công nhân nghỉ luân phiên", vị này thông tin thêm.
Ông Quốc Toản, nhân viên phòng kinh doanh của một công ty sản xuất sơn trong khu công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội cũng chia sẻ đơn hàng quý I của công ty giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Công ty hiện vẫn chi trả đủ lương cơ bản cho công nhân, tuy nhiên tổng thu nhập của người lao động bị giảm rõ rệt do không có nhiều đơn hàng, khoản phụ cấp không có. Công ty xác định quý II sẽ vẫn tiếp diễn khó khăn, kỳ vọng quý III trở đi tình hình sẽ khả quan hơn.
Trong khi đó, ở Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp dệt may cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất khi đơn hàng thiếu hụt trầm trọng.
May mặc hiện là ngành tạo nhiều việc làm nhất tại Thanh Hóa, với khoảng 300.000 lao động, chiếm tới hơn 60% số lao động toàn ngành công nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp may mặc bị giảm sút rõ ràng ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân.
Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam ở huyện Thọ Xuân đơn hàng bị giảm 30%, từ đầu năm đến nay công nhân hầu như không được tăng ca, ảnh hưởng đến thu nhập. Trước đó, do kỳ vọng nhiều vào năm 2023, công ty đã mở rộng thêm 5 dây chuyền sản xuất, tuyển thêm vài trăm công nhân nhưng không ngờ thực tế lại khó khăn hơn dự báo.
Đại diện công ty cho biết 100% sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện tình hình tiêu dùng ở Mỹ đang giảm sút nên đơn đặt hàng theo đó cũng giảm theo. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, đây là thời điểm mà công ty gặp khó khăn nhất về đơn hàng. Thông qua việc nắm bắt thông tin từ các bạn hàng, thời gian tới, dự báo tình trạng thiếu hụt đơn hàng sẽ còn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng.
Một công ty ngành may mặc khác là Công ty TNHH IVORY Việt Nam cũng phải cho lao động nghỉ luân phiên. Bà Hoàng Thị Phượng ở xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, công nhân của công ty cho biết từ đầu năm đến nay, nhiều công nhân trong phân xưởng phải cắt giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, thu nhập vì thế giảm chỉ còn một nửa so với những năm trước. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty bị sụt giảm khoảng 50% đơn hàng.
Trước đó hồi cuối tháng 2, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) - doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất cả nước thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người lao động do khó khăn về đơn hàng.
Trong báo cáo với Liên đoàn Lao động quận Bình Tân trước đó, PouYuen đã dự kiến trong năm nay sẽ không tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 3.000 người có hợp đồng lao động 1-3 năm, đồng thời cắt giảm khoảng 3.000 lao động khác trong tháng 2. Từ tháng 11/2022, công ty cũng đã cho gần 20.000 công nhân sắp xếp nghỉ luân phiên.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Công ty TNHH Việt Nam Samho tại huyện Củ Chi, TP HCM (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu) đã thông báo cắt giảm gần 1.500 lao động từ tháng 12 do thiếu đơn hàng.
Hiện tại, ngoài tạm hoãn hợp đồng lao động với khoảng 500 người, doanh nghiệp này cũng bố trí nghỉ luân phiên không hưởng lương với nhiều lao động khác.
Nhu cầu toàn cầu suy yếu cả năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn sụt giảm
Trong báo cáo mới công bố, Oxford Economics cho rằng tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023. Ngoài ra rủi ro suy thoái toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam.
Theo các chuyên gia tại đây, dữ liệu cần đặc biệt theo dõi là nhập khẩu. Chỉ số này sẽ báo hiệu được những gì sẽ diễn ra nhiều tháng sau đó vì nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy quý I/2023
Như vậy, quy mô nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2023 giảm 13,52 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 3,65 tỷ USD; đứng thứ hai là máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 2,61 tỷ USD; đứng thứ ba là máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 1,45 tỷ USD.
Theo Oxford Economics, nhìn vào số liệu nhập khẩu có thể thấy các nhà sản xuất vẫn bi quan về triển vọng nhu cầu bên ngoài, do đó họ thận trọng trong mua nguyên liệu đầu vào.
Cùng chung nhận định, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng chưa nhận thấy sự phục hồi trong hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu và con đường để thương mại năm 2023 tăng trưởng dương là tương đối gập ghềnh.
Với tăng trưởng xuất nhập khẩu dự báo kém khả quan, nhiều tổ chức cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam. Hầu hết các tổ chức đưa ra mức dự báo 5-6%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5%. Oxford Economics đưa ra dự báo thấp nhất, chỉ 4,2% - giảm gần một nửa so với mức tăng trưởng 8% của năm ngoái.