Thời sự

Vụ chiếm đất vàng phố Bà Triệu: Bị cáo khai hợp đồng "đổ vỡ" khi trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương bị bắt

Hợp đồng kinh doanh đổ vỡ

Ngày 20/4, phiên xét xử kỳ án chiếm đoạt 3 lô “đất vàng” phố Bà Triệu (Hà Nội) có giá trị hàng trăm tỷ đồng, tiếp tục với phần tranh luận.

Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo Lương Thế Hiển (cựu Phó Chánh văn phòng Sở TN&MT Hà Nội) đã phản bác nội dung cáo trạng quy kết ông về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt

Ông này nhiều lần khẳng định với HĐXX việc ký kết các hợp đồng “hợp tác kinh doanh”, giữa vợ mình là bị cáo Nguyễn Thị Liên với anh Nguyễn Thanh Thủy (SN 1972, ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) có nội dung: “Anh Thủy và bà Liên cùng góp vốn đầu tư mua nhà đất tại số 296, 298, 300, phố Bà Triệu, tổng giá trị tạm tính là 200 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn 50/50, mỗi bên là 100 tỷ đồng” , là có thật.

Vụ chiếm đất vàng phố Bà Triệu: Bị cáo khai hợp đồng 'đổ vỡ' khi trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương bị bắt - Ảnh 1.

Bị cáo Lương Thế Hiển.

Theo lời khai của Hiển, khi thực hiện hợp đồng, ông này đóng góp 1.200 cây vàng và hơn 8 tỷ đồng tiền mặt (quy ra tương đương 100 tỷ đồng).

“Nếu em trai của anh Thủy là Nguyễn Văn Dương không liên quan đến vụ án đánh bạc của Phan Sào Nam thì mọi việc mua bán của chúng tôi diễn ra bình thường…. thế nhưng khi đang thực hiện hợp đồng, em trai của anh Thủy bị bắt, anh Thủy nói với tôi bây giờ em không còn tiền nữa, phải lo cho Dương và gia đình nên anh cho em rút thanh lý hợp đồng”, ông Hiển khai.

Sau khi thanh lý hợp đồng với anh Thủy, ông Hiển cho rằng cá nhân ông đã đưa thêm tiền mặt để anh Thủy đi thanh toán cho người dân bán đất. Chính việc thanh toán “sòng phẳng” này với người dân nên sau mua bán không còn kiện cáo, thắc mắc.

Hiển khai thêm, sau khi hoàn thành các thủ tục được cấp sổ đỏ cho lô đất vàng phố Bà Triệu, ông ta bán cho anh Lê Hải An (SN 1991, ở Bán Đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai), quá trình mua bán, anh Thủy biết việc này nhưng không có phản ứng gì.

"Sau hơn một năm tôi bán đất, anh An xây nhà lên, anh Thủy mới gọi điện đòi chia tiền lãi", ông Hiển nói, việc đòi hỏi của anh Thủy không được ông chấp thuận. Phía anh Thủy sau đó sử dụng các "đòn tâm lý" như nhờ văn phòng luật sư hoặc dùng “tình nghĩa người thân” để tác động can thiệp, đòi tài sản.

Được gọi đứng lên đối chất, anh Thủy cho rằng: “Bị cáo Hiển đã ‘dựng đứng’ 100% câu chuyện không đúng sự thật này”.

Anh Thủy cho hay, các lô đất tại phố Bà Triệu được anh mua từ năm 2017, việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với vợ chồng ông Hiển chỉ nhằm mục đích “làm sổ đỏ được thuận lợi”.

Trong khi, bà Nguyễn Thị Liên ngồi cạnh ông Hiển luôn khẳng định chỉ đứng tên hợp đồng hợp tác kinh doanh, song hoàn toàn không có việc kinh doanh nào, cũng không có việc giao nhận tiền để góp vốn mua các lô đất tại phố Bà Triệu.

Bà Liên khai, các giấy tờ hợp đồng bà ký với anh Thủy đều do ông Hiển “nhờ”, khi đặt bút ký bà không đọc nội dung và sau hợp đồng ký kết, bà không tham gia bất kỳ giao dịch mua bán nhà đất nào với anh Thủy, cũng không giúp chồng chiếm đoạt tài sản của anh này.

Vụ chiếm đất vàng phố Bà Triệu: Bị cáo khai hợp đồng 'đổ vỡ' khi trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương bị bắt - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Thanh Thủy tại phiên tòa.

Bán đất cho người khác sau khi đứng tên sổ đỏ

Trong cáo trạng thể hiện, 3 khu "đất vàng" nằm ở số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, có tổng diện tích 676m2; nguồn gốc là các khối nhà 2-3 tầng mặt phố thuộc sở hữu nhà nước do Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý, cho 14 hộ dân thuê ở. Trong đó, diện tích nhà cũ đã được bán theo NĐ61/CP và được cấp 11 sổ đỏ cho có 11 hộ dân với diện tích 308 m2.

Giữa năm 2017, sau khi mua gom được 11 nhà đất tổng diện tích hơn 300m2 tại địa chỉ trên, anh Nguyễn Thanh Thủy muốn nốt phần diện tích nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước còn lại để chuyển đổi diện tích đất sử dụng chung và làm thủ tục gộp sổ đỏ của khu đất phố Bà Triệu.

Tuy nhiên theo quy định pháp luật, anh Thủy không thuộc đối tượng được mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước. Anh Thủy sau đó nhờ Lương Thế Hiển khi này vừa nghỉ hưu, giúp đứng tên làm thủ tục mua đất.

Theo cơ quan truy tố, quá trình bàn bạc với anh Thủy, ông Hiển cũng giới thiệu có thể lo được việc chuyển mục đích đất sử dụng chung và gộp các sổ đỏ nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, nhưng anh Thủy phải trả cho ông Hiển 7 tỷ đồng tiền công.

"Để hợp thức việc nhờ Hiển đứng tên làm các thủ tục trên, hai bên đã thống nhất cách thức là ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, các giấy nhận tiền, hợp đồng công chứng chuyển nhượng tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu", cáo trạng nêu.

Cụ thể, ngày 1/10/2017, tại nhà ông Hiển, ông Thủy và bà Liên ký hợp đồng hợp tác đầu tư mua khu đất trên tổng giá trị 200 tỷ, mỗi bên góp 100 tỷ, hợp đồng ghi ngày 20/3/2017 và biên bản thanh lý hợp đồng đề ngày 1/10/2017, với nội dung thể hiện ông Thủy đồng ý chuyển nhượng 50% cổ phần cho ông Hiển, tương đương 100 tỷ đồng vốn đã góp để mua 3 lô đất trên phố Bà Triệu. Biên bản có chữ ký luật sư làm chứng.

Ông Thủy cũng viết giấy biên nhận thể hiện đã nhận 100 tỷ đồng của vợ chồng bà Liên.

Cơ quan tố tụng cho rằng, sau khi giúp ông Thủy đứng tên mua gom các khu đất và được sổ đỏ đứng tên vợ chồng ông Hiển, thì ông Hiển nảy sinh ý định chiếm đoạt, đem bán toàn bộ khu đất cho anh Lê Hải An với giá hơn 323 tỷ đồng. Nhưng chỉ làm hợp đồng có giá trị chuyển nhượng 30 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định các hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên, biên bản thanh lý hợp đồng, giấy biên nhận số tiền 100 tỷ mà ông Hiển trả cho ông Thủy là giả cách.

Mặc dù chữ ký, dấu lăn tay của anh Thủy là thật nhưng theo cơ quan tố tụng đây chỉ là hợp thức hóa để ông Hiển đứng tên mua khu đất giúp Thủy.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm