Những tưởng giới văn phòng chỉ đi làm giờ hành chính, 8 tiếng/ngày trong tuần thế nhưng đối với nhiều ngành nghề văn phòng, câu chuyện vẫn phải đi làm vào ngày thứ 7, chủ nhật không còn quá đỗi xa lạ. Tuy nhiên dù có làm lâu trong nghề đi nữa, thi thoảng nhóm văn phòng này vẫn thấy chưa quen và khá mệt mỏi vì những trận "hành xác" từ đối tác, khách hàng...
Sản xuất chương trình
“Xung quanh ai cũng nói chị là một dân văn phòng chăm chỉ, nhưng đôi khi cứ làm việc luôn cả thứ 7 này đến chủ nhật khác khiến chị cảm thấy rã rời. Nhiều lúc, chị gần như mất hết lửa với công việc chị đã từng rất đam mê này.”
Đó là lời chia sẻ của chị Mỹ Quỳnh, biên tập gameshow của một công ty sản xuất nội dung tại TP.HCM. “Em thử nghĩ xem, chỉ có 2 ngày cuối tuần để nghỉ ngơi sau 5 ngày liền làm bù đầu bù cổ nhưng lại phải dành hết cho công việc, thì con người với cái máy nó có khác gì nhau đâu.
Chị Uyên Nhi, 24 tuổi, làm việc tại TP.HCM
Có lần, vì đi làm quá mệt nên ngủ quên mất vào sáng thứ 7, bật dậy thấy trễ gần cả tiếng với 15 cuộc gọi nhỡ, thực sự hoảng khủng khiếp. Đến điểm quay bị mắng như té tát, dù rằng là lỗi của mình nhưng nó cũng thể hiện rằng cứ tăng ca như thế này sức khoẻ của chị không thể kham nổi."
Chị Uyên Nhi, biên tập viên sản xuất chương trình tại một công ty truyền thông ở TPHCM cũng cho biết: "Mình cảm thấy vô cùng bình thường khi phải đi làm vào cuối tuần vì đây là đặc thù công việc, nếu đã làm ở vị trí này thì phải chấp nhận. Dù trong tuần không có lịch quay mình vẫn lên công ty đi làm bình thường, nhưng cuối tuần có việc thì cứ tăng ca thôi.
Tuy nhiên có lần đi làm cuối tuần, trong người cũng khá mệt mỏi vì suốt 7 ngày chưa hôm nào được nghỉ ngơi tử tế, đến chỗ làm mình phải chạy tới chạy lui xoay sở cho các đầu việc phát sinh như thiếu đạo cụ, chỉnh sửa nội dung nhanh... cảm giác bối rối, gấp gáp đôi khi sẽ khiến mình hơi stress với đồng nghiệp, với công việc mình đang làm."
Tổ chức sự kiện
Anh Thanh Sơn từng vì những buổi tăng ca mà nghỉ việc
Với tính chất của nghề tổ chức sự kiện thì chuyện làm vào cuối tuần là lẽ dĩ nhiên. Chính vì ngoài các sự kiện ra mắt, hội thảo thì khung giờ chiều tối họ cũng phải làm việc vì các buổi giao lưu, tiệc tùng cho các doanh nghiệp...
Anh Thanh Sơn cho biết: "Những ngày trong tuần thì đa phần mình sẽ lên công ty để làm các đầu việc như lập kế hoạch, chuẩn bị nội dung, làm việc với các bên đối tác liên quan... nhưng đến ngày diễn ra chương trình thì hầu như mình phải tăng ca để có mặt điều phối.
Ban đầu đi làm thì thấy rất vui vì môi trường khá năng động, lâu dần vì cường độ công việc cao cộng nhiều xích mích với đồng nghiệp ví dụ đến giờ diễn ra chương trình sẽ có những tình huống phát sinh: khách mời chưa tới, âm thanh bị sự cố... dẫn đến ekip cự cãi vì ai cũng muốn tổ chức trọn vẹn chương trình. Dần dà vì các buổi tăng ca cuối tuần này khiến mình và đồng nghiệp chẳng hoà thuận, dẫn đến quyết định nghỉ việc."
Phóng viên
Phóng viên là những người thường xuyên được tòa soạn cử đi tác nghiệp với nhiệm vụ chụp ảnh, lấy tin... Đối với ngành nghề này, họ phải làm việc ngay cả vào những ngày cuối tuần miễn khi có sự kiện gì nóng, thời sự họ buộc phải có mặt.
“Những buổi đi làm thứ 7, chủ nhật có phát sinh thông thường là sẽ đi dự họp báo. Công việc này không rõ lịch trình đâu, có khi sáng còn ở nhà vậy chứ chiều là tụi mình đã đi tác nghiệp.” - Anh Minh Triết, phóng viên báo chia sẻ.
"Do niềm đam mê công việc nên có tin để viết bài mình cảm thấy rất vui, làm bên báo thì ngày nào có tin hay sự kiện thì xem như ngày đi làm vậy. Với nghề này, làm nhiều thì va chạm nhiều, kiến thức và kĩ năng cũng vững vàng hơn. Với lại những ngày trong tuần không phải lúc nào cũng làm, nên việc đi làm thứ 7 hay chủ nhật với mình cũng khá bình thường.
Có một hôm tụi mình phải quay phỏng vấn hoa hậu vừa đăng quang. Lúc quay xong đến khoảng 8 giờ tối chủ nhật, nhưng vì tính thời sự nên sáng mai là phải đăng bài rồi, nên đêm đó cả nhóm buộc phải miệt mài tới tận hơn 12 giờ khuya. Mệt lắm, nhưng đây là kỉ niệm vui.”
Anh Minh Triết - một phóng viên đang giai đoạn làm quen với nghề
Tuy nhiên chị Bích Loan, cũng là phóng viên nhưng có một chia sẻ không được thuận lợi cho lắm trong một lần đi làm vào cuối tuần của mình: "Gần đây nhất mình có một buổi hẹn phỏng vấn trực tiếp với khách mời. Vì tính chất công việc của họ là vào cuối tuần, nên mình và anh phóng viên ảnh buộc phải có mặt để lấy tin, phỏng vấn vào thời điểm đó. Tuy nhiên anh em mình đã phải đợi hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng họ có mặt với bộ dạng say khướt, không đủ tỉnh táo để nhận ra mình là ai huống chi phối hợp làm việc.
Hôm đó chúng mình đều có công việc riêng của gia đình, đành gác lại để hoàn thành công việc nhưng lại chẳng đạt được điều gì, khiến mình vô cùng khó chịu."
Chuyên viên sales
Đối với mỗi doanh nghiệp, nhân viên sales đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy lợi nhuận.
Chị Xuân Quy: "Công việc sales phải làm việc khách hàng trong ngày cuối tuần đôi khi khiến chị không thoải mái"
Vì tính chất công việc, nên nhân viên sales thường xuyên phải làm việc cả vào những ngày cuối tuần. Đối với một số công ty, thứ bảy hoặc chủ nhật còn được xem là ngày làm chính yếu. Chẳng hạn nhân viên sales bất động sản sẽ đi cùng khách xem đất, xem nhà vào cuối tuần lúc khách không bận đi làm, nhân viên sale tour du lịch phải tiếp cận và tư vấn về nhu cầu giải trí cho khách hàng lúc họ thảnh thơi không bận việc... Và đặc thù những khách hàng của chuyên viên sales thường không rảnh vào giờ hành chính. Vì vậy, để thuận lợi cho việc tư vấn, trao đổi, nhân viên sales thường phải nương theo lịch rảnh của họ - thường vào cuối tuần.
Chị Xuân Quy - một nhân viên sale tour du lịch tại TP.HCM cho hay: "Có lần một khách hàng đi tour về cảm thấy không hài lòng và buộc gặp mình vào chủ nhật để khiếu nại. Nhưng dẫu mình có sắp xếp gặp thì những giải quyết về khiếu nại theo chính sách của công ty cũng không thể diễn ra vào chủ nhật khi văn phòng không có ai đi làm được. Mình phải cố trấn an họ dời sang thứ 2 đầu tuần để giải quyết nhưng họ có rất nhiều lời thô lỗ với mình, khiến mình thấy ghét phải làm cuối tuần để gặp gỡ những khách hàng như thế này kinh khủng.”
Chăm sóc khách hàng
Chị Thanh Thanh (bên trái)
"Với công việc chăm sóc khách hàng của mình, dù chỉ ngồi một chỗ trước bàn máy tính trên văn phòng để nhận điện thoại và nhập thông tin vào hệ thống, cũng mang lại cho mình nhiều trải nghiệm không vui, phần lớn là từ khách hàng.
Công ty của mình là ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ nên bộ phận chăm sóc khách hàng phải túc trực 24/7, kể cả vào cuối tuần. Tuy nhiên vì làm việc trực tuyến với vô số khách hàng nên mọi câu chuyện tréo ngoe đều diễn ra qua chiếc điện thoại. Có hôm phải dậy lúc 5 giờ sáng để đi làm vào chủ nhật, nhấc điện thoại lên nghe chửi mà giật bắn mình. Kiên nhẫn giải thích, xử lý cho họ nhưng khi gác máy nhiều người lại đánh giá chất lượng cuộc gọi 1 sao, khiến mình bị khiển trách rất oan ức." - Chị Thanh Thanh.
5 MẸO GIÚP NGÀY ĐI LÀM CUỐI TUẦN ĐẦY NĂNG LƯỢNG
1. Ngủ sớm
Việc ngủ đủ giấc và ngủ sớm là vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp cơ thể tái tạo lại năng lượng sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, mà còn mang đến cho bạn một tinh thần phấn chấn, tươi tỉnh vào sáng hôm sau.
2. Tìm một "chỗ dựa" nơi làm việc
Việc tìm kiếm một "cạ cứng" chung team trong công ty có cùng sở thích với bạn cũng là một điều cực kì hữu dụng cho ngày đi làm cuối tuần thêm vui vẻ, hưng phấn. Nếu những buổi đi làm cuối tuần của bạn diễn ra độc lập không có đồng nghiệp, hãy cố làm quen với một ai đó ở nơi tác nghiệp để có người hỗ trợ, trò chuyện, tán gẫu bớt cô đơn, buồn chán.
3. Ăn đúng bữa, uống đủ nước
Dù cường độ công việc có dày đặc đến mức nào nhưng chuyện ăn uống đúng giờ vẫn nên được ưu tiên. Ăn đúng bữa không những giúp cho cơ thể đủ năng lượng, tránh các bệnh như đau dạ dày phát sinh lúc đang làm mà còn thay đổi tâm trạng, nếu bạn có đang buồn bực vì phải làm việc ngày cuối tuần thì ăn ngon sẽ khiến tinh thần thả lỏng hơn.
4. Tận dụng ngày thứ 6 để vui chơi, nghỉ ngơi
Vì vẫn phải đi làm vào ngày thứ 7, chủ nhật, bạn nên “tận dụng” tối thứ 6 để tái tạo năng lượng. Bạn có thể ra ngoài vui chơi cùng bạn bè, hoặc dành buổi tối đó để xem phim, chăm sóc da,... Việc dành ra một ngày cuối tuần để thư giãn sẽ giúp bạn sản sinh nguồn năng lượng mới, sẵn sàng cho những ngày làm việc cuối tuần đầy phấn khởi.
5. Đem theo các vật dụng phòng thân
Vì tính chất công việc làm cuối tuần nên có thể bạn sẽ đi về trễ, thủ sẵn những vật dụng phòng thân để đảm bảo an toàn là vô cùng cần thiết. Một số đồ dùng tự vệ hợp pháp bạn có thể “sắm sửa” cho bản thân thông dụng như đèn pin tự vệ, bình xịt hơi cay, dao tự vệ bỏ túi,...