Cảnh báo mới đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng cuộc chiến chống lạm phát sẽ khiến Mỹ "đau đớn" dường như càng làm dồn thêm sự chú ý vào cuộc họp của cơ quan này vào tháng 9 tới đây.
Cách đó nửa bán cầu - Việt Nam cũng đang chờ đợi cuộc họp này bởi rõ ràng nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất, dẫn đến cuộc đua tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới và điều này sẽ tạo áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước.
Lạm phát - yếu tố lớn nhất để Fed tăng lãi suất đã chậm lại
Chia sẻ tại chương trình WeTalk "Triển vọng thị trường tài chính, cơ hội và thách thức" mới đây, ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO WiGroup đặt vấn đề khi nào thì Fed ngừng tăng lãi suất và trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ, lạm phát của Mỹ quyết định chính sách tiền tệ của Fed thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao.
Theo quan điểm cá nhân, ông Báu cho rằng Fed đã cạn room tăng lãi suất. Về vấn đề khi nào Fedtăng lãi suất và tăng tới đâu, cần phải trả lời câu hỏi khi nào lạm phát của Mỹ có dấu hiệu dừng lại.
Nói thêm về chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ, người Mỹ chi rất nhiều cho nhà ở, di chuyển, xe cộ, dịch vụ giải trí. Tất cả những hàng hóa, dịch vụ này đều bị tác động nhiều bởi giá năng lượng, giá xăng dầu. Người Mỹ chi rất ít cho thực phẩm, chỉ 14%, trong khi đó ở Việt Nam là 40%.
"Thực phẩm không phải nguyên nhân dẫn dắt lạm phát của Mỹ. Về cơ bản, có ba yếu tố tác động nặng nê nhất vào lạm phát của Mỹ là giá năng lượng, nhà ở, giá xe. Nếu muốn biết lạm phát của Mỹ đã lập đỉnh hay chưa chỉ cần tập trung vào ba yếu tố đó", CEO WiGroup nói thêm.
Ông Trần Ngọc Báu dẫn thêm số liệu vào cho biết giá năng lượng, giá nhà, giá xe - ba biến số quan trọng tác động CPI của Mỹ đến hiện tại đã được xoa dịu. Như vậy yếu tố lớn nhất để Fed tăng lãi suất là lạm phát thì đà tăng lạm phát đã chậm lại, đồng thời dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ lập đỉnh vào cuối quý III năm nay.
Đại diện WiGroup cũng dự báo lãi suất khó có thể tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn tăng trưởng đều tiệm cận 0 như này.
Ngoài ra, ông Báu cho rằng Fed đã cạn room tăng lãi suất, room tăng trưởng lãi suất của Fed chỉ còn ở mức 0,5-1% kéo dài 6 tháng đến 1 năm tới. Vì vậy vào kỳ họp sắp tới, khả năng Fed tăng lãi suất 0,75 điểm cơ bản là khó xảy ra vì gần như cạn room lãi suất.
Mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed vẫn rất phụ thuộc vào kỳ vọng lạm phát tại Mỹ. Các chuyên gia tại đây dẫn kết quả cuộc khảo sát hàng tháng của Fed New York, người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng với tốc độ 6,2% trong năm tới và 3,2% trong ba năm tới.
Do vậy VDSC dự báo lạm phát kỳ vọng 1 năm tới vẫn còn rất cao, lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể chậm lại nhưng cũng không hẳn sẽ chấm dứt trong năm 2023.
Vì sao Việt Nam không thể độc lập chính sách tiền tệ với Fed?
Giải thích vì sao Việt Nam không thể độc lập chính sách tiền tệ với Fed, ông Trần Ngọc Báu cho hay vấn đề làm NHNN đau đầu nhất hiện nay không phải là lạm phát mà là tỷ giá. Khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn (capital flow) sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu mở cửa dòng vốn thì sẽ kích hoạt "bộ ba bất khả thi" đó là mở cửa dòng vốn, ổn định tỷ giá, độc lập chính sách tiền tệ.
"Nếu dự trữ ngoại hối đủ mạnh thì chúng ta có thể vừa mở cửa dòng vốn, vừa ổn định tỷ giá và vừa nới lỏng tiền tệ. Nhưng với việc trong 2- 3 tháng NHNN đã bán ra hơn 10% dự trữ ngoại hối thì không thể nào lấy dự trữ ngoại hối ra để sử dụng tiếp được", ông Báu phân tích. Do đó, chúng ta chấp nhận tỷ giá biến động và tiếp tục chính sách nới lỏng hay thắt chặt theo Fed để kiểm soát tỷ giá.
Theo VDSC, số liệu không chính thức cho thấy NHNN đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung/cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại khoảng hơn 100 tỷ USD, tương đương 3,1 tháng nhập khẩu.
Số liệu bán ròng USD của NHNN nếu so với quy mô tăng thêm khoảng 13 tỷ USD trong năm 2021 hay so với quy mô bán ròng tỷ giá biến động mạnh vào năm 2015 ở một bối cảnh kinh tế vĩ mô khác cũng đều là rất đáng kể. Áp lực điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn, dù vậy, VDSC bảo lưu quan điểm rằng tiền đồng sẽ không bị mất giá quá mạnh như các đồng tiền khác.
Cần xem xét nới room để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nhưng cũng không ít lo ngại
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết room tín dụng sẽ được điều chỉnh vào tuần này.
Cụ thể, lãnh đạo cao nhất ngành ngân hàng cho biết chậm nhất đầu tuần này, NHNN sẽ có thông báo về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, phần điều chỉnh này vẫn nằm trong con số 14% mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.
Theo số liệu trước đó từ NHNN, tính đến giữa tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9,62% so với cuối năm 2021, không thay đổi nhiều so với số liệu tăng trưởng vào cuối tháng 6 và 7.
Ở góc nhìn chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cần xem xét nới room để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế năm nay.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Không nên chờ đến quý IV mới nới room tín dụng vì như vậy là quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
Theo quan điểm của ông, NHNN chưa lỏng tay với room tín dụng vì còn lo ngại hai vấn đề là lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu giảm được lạm phát xuống dưới mức kỳ vọng thì có cơ hội xem xét tăng room tín dụng.
Số liệu do TS. Cấn Văn Lực công bố hồi đầu năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng bình quân 3 năm (2019-2021) của Mỹ là 14%. Đối chiếu theo con số này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng room tín dụng tăng lên 15-16% là mức có thể chấp nhận được.
Bên cạnh ý kiến ủng hộ, cũng có chuyên gia bày tỏ lo ngại khi nới room tín dụng.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Đỗ Bảo Ngọc, nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư Fstock.vn và hiện là Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 14%,cao hơn mức tăng 13,6% của năm trước, là mức tăng trưởng phù hợp trong năm nay khi mà các nền kinh tế khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Nhiều người kỳ vọng phải nới hơn mức 14% thì tôi thấy hơi quá đà. Bởi vì nới room tín dụng lên 15%,16% hay 17% rất dễ nhưng cũng dẫn đến những bất ổn vĩ mô sau này", chuyên gia nhận định
Theo ông Ngọc, vấn đề hiện nay là khi nào thì phân bổ nốt hạn mức tín dụng của năm nay cho 6 tháng cuối năm. "Dự kiến đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã ở đâu đó khoảng 10%. Còn 4% thì sắp tới sẽ phân bổ như nào phù hợp với năng lực tài chính của từng ngân hàng", ông Ngọc nói.
Từ nguồn lực đó thì các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay ra nền kinh tế, khơi thông dòng vốn. Đây là những yếu tố tích cực, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong quý III và thời gian sắp tới. Đồng thời điều này cũng sẽ có tác động đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo room tín dụng sẽ được phân bổ thêm 3-5%, tương đương khoảng 457.000 tỷ đồng trong tuần này.