Doanh nghiệp

Gần chục nghìn tấn thép, nhà máy gạch, công xưởng... được ngân hàng bán đấu giá

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Hơn 9 nghìn tấn thép “om” kho gần 5 năm 

Đơn vị quản lý nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank AMC) vừa đăng tin thông báo bán đấu giá tài sản số 1566. Tổ chức đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh đấu giá Việt Nam.

Đơn vị Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) vừa thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Đầu tư Khang Duy và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Gia Vượng. Cả hai khoản nợ được thế chấp bằng 9.070 tấn thép các loại tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, phường Thới Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tổng dư nợ của hai doanh nghiệp nêu trên không được Agribank công bố.

Gần chục nghìn tấn thép, nhà máy gạch, công xưởng... được ngân hàng bán đấu giá - 1

Ngân hàng rao bán đấu giá 9.070 tấn thép các loại tại của 2 doanh nghiệp tại Bình Dương

Được biết, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Đầu tư Khang Duy gồm ba lô hàng hóa thép các loại “om” kho gần 5 năm. Lô thứ nhất là 1.250 tấn, lô thứ hai 867 tấn, lô thứ ba là 3.849 tấn. Giá đấu giá khởi điểm cho khoản nợ là 95,6 tỷ đồng. 

Còn tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Gia Vượng là hai lô thép các loại, lô thứ nhất là 1.858 tấn, lô thứ hai 1.246 tấn. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 50,9 tỷ đồng.

Agribank dự kiến tổ chức đấu giá hai khoản nợ trên vào ngày 8/9 tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Người tham gia đấu giá phải đóng tiền cọc bằng 10% giá khởi điểm. Ngân hàng cũng lưu ý mức giá đấu giá chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và thuế giá trị gia tăng trong trường hợp tài sản bảo đảm đấu giá thuộc diện phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. .

Ngoài ra, Agribank cũng ghi chú rằng tài sản được bán đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng tài sản, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”.

Nhà máy gạch, thủy điện,... cũng bị rao bán

Tương tự, ngân hàng BIDV những ngày gần đây cũng rao bán nhiều dự án lớn như nhà máy vật liệu xây dựng, nhà máy thủy điện với giá khởi điểm hàng trăm tỷ đồng để xử lý nợ xấu.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản là khoản nợ 430 tỷ đồng của Công ty TNHH Hoàng Nhi, thế chấp bằng Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại KCN Trà Đà.

Loạt tài sản này bao gồm 66 động sản (thiết bị thi công xây dựng) và 13 Bất động sản của bên thứ ba. Cụ thể, tài sản bảo đảm của bên thứ ba là nhà máy làm việc của CTCP Vật liệu và xây lắp cùng cổ phiếu chưa niêm yết tại 2 CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và CTCP Thủy điện Nước chè.

Gần chục nghìn tấn thép, nhà máy gạch, công xưởng... được ngân hàng bán đấu giá - 3

Khoản nợ 572,5 tỷ đồng của của CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi, thế chấp bằng Nhà máy thủy điện Đăk Psi tại Kon Tum cũng đang được BIDV rao bán

Trước đó không lâu BIDV Kon Tum đã “rao bán” nhà máy Thuỷ điện Tân Thượng của Công ty CP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi để thu hồi công nợ. Khoản nợ có tổng dư nợ tạm tính đến 17/8/2022 là gần 572,5 tỷ đồng. BIDV yêu cầu định giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ.

Cùng thời gian trên, để thu hồi nợ xấu, BIDV đã rao bán đấu giá khoản nợ gần 38 tỷ đồng là quyền sử dụng đất và hệ thống máy móc thiết bị của của Nhà máy gạch Lan Thái thuộc Công ty CP Lan Thái.

Cụ thể, tài sản thứ nhất là quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất tại thôn Lân Hát, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Được biết, tổng diện tích khu đất này là 18.055 m2, bao gồm hệ thống máy móc thiết bị, hệ thống điện phục vụ sản xuất của Nhà máy gạch Lan Thái.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn là quyền sử dụng đất lô đất có diện tích 200m2 tại tổ 5, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên...

Theo giới chuyên gia, áp lực nợ xấu dồn trên vai các ngân hàng hiện nay đang rất lớn. Chính vì thế nên hoạt động rao bán nợ xấu tại các ngân hàng đang diễn ra dồn dập. Trong đó, những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt thì dễ xử lý, còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có giảm giá mạnh cũng khó bán vì tính chất phức tạp, đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể giải quyết được. Đặc biệt, đối với tài sản đảm bảo là bất động sản thì nhà đầu tư lại càng cân nhắc kỹ về pháp lý, và cả nguồn tiền để "quay vòng" khi muốn xuống tiền.

Chia sẻ
Theo Hồng Hương (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm