Năm 2021, bà Ngô 80 tuổi, sống ở phố Sa Nam, quận Sa Bình Bá, Trùng Khánh, Trung Quốc đã quen một "cố vấn đầu tư" ở trên mạng. Biết bà cụ này đam mê đầu cơ chứng khoán, "người cố vấn" này đã giới thiệu bà tham gia nhóm các nhà đầu tư trên Wechat và khẳng định có thể giúp bà đạt được tự do tài chính nếu chuyển giao tiền gửi vào một APP đầu tư.
Sáng ngày 24/7/2021, cụ Ngô lần đầu tiên đến chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc ICBC ở quận Sa Bình Bá để chuyển tiền vào tài khoản. Sau khi trò chuyện với nhân viên của ngân hàng, bà cụ này bỗng thay đổi quyết định và cho biết sẽ chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng khác.
Khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, bà Ngô lại một mình đến chi nhánh Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc trên phố Sa Bắc để mở tài khoản thanh toán online. Xong xuôi, “người cố vấn” đã gửi ảnh chụp màn hình và bảo bà cụ làm theo theo các bước hướng dẫn. Vì không thông thạo cách sử dụng smartphone nên sau một hồi mò mẫm, bà Ngô đành nhờ một giao dịch viên của ngân hàng này giúp đỡ.
Theo đó, nhân viên này khi phát hiện APP mà bà Ngô muốn chuyển tiền vào có điểm đáng ngờ nên đã từ chối thực hiện giao dịch mà bà cụ yêu cầu. Không những thế, người này còn cảnh báo cho bà Ngô biết đó có thể là APP lừa đảo, khuyên bà cụ không nên chuyển tiền vào đó. Dẫu vậy, bà cụ này vẫn không tin và quyết định đi nhờ người khác.
Nhận thấy bà Ngô có nguy cơ bị lừa đảo, giao dịch viên trên đã nhanh chóng gọi điện cho cảnh sát và trình báo sự việc. Tuy nhiên, thay vì cảm kích, bà cụ này lại chỉ trích nhân viên này đang “trì hoãn” công việc của mình rồi vội vã rời khỏi ngân hàng. Thấy thế, nhân viên ngân hàng này không bỏ cuộc mà đi theo bà Ngô để báo tin cho cảnh sát nhưng không may bị mất dấu.
Nhận được tin, Sở cảnh sát Sa Bình Bá đã cố gắng liên hệ với bà Ngô để hỏi thêm thông tin nhưng bà cụ này không trả lời điện thoại. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, phía cảnh sát phỏng đoán rằng những kẻ lừa đảo chắc chắn đang muốn xúi giục bà Ngô nhanh chóng chuyển tiền. Do đó, họ phỏng đoán bà cụ này có lẽ đang ở một chi nhánh ngân hàng nào đó nên đã chia người đi kiểm tra lần lượt các ngân hàng trong khu vực.
Trong lúc đang tìm tung tích của bà Ngô, phía cảnh sát nhận được cuộc gọi từ một người qua đường, thông báo rằng họ nhìn thấy một bà cụ có ngoại hình giống vậy đang ở gần 1 trường tiểu học nên lập tức có mặt tại hiện trường. Nhận thấy sự xuất hiện của cảnh sát, bà Ngô đã vội vã quay người bỏ chạy nhưng rất nhanh đã bị giữ lại.
Tại đồn, cảnh sát khuyên bà Ngô cho họ kiểm tra APP đầu tư và tin nhắn WeChat để sàng lọc thông tin nhưng bị bà cụ này từ chối. Để trấn an bà cụ, cảnh sát và nhân viên của ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã phối hợp tạo ra một màn kịch, nói rằng bà cụ muốn chuyển tiền thì phải đợi đến 2h chiều, lúc đó ngân hàng mới làm việc. Cứ thế, họ tận dụng thời gian này để trò chuyện và dò hỏi thêm thông tin từ bà cụ này.
Sau khi lấy lại được bình tĩnh, bà Ngô mới cho biết rằng bà đang cần chuyển gấp 400.000 NDT (khoảng 1,3 tỷ đồng) vào APP đầu tư để “tiền đẻ thêm tiền” và yêu cầu cảnh sát đừng ngăn cản việc tốt của bà. Sau gần hai giờ thuyết phục, bà cụ Ngô chỉ tạm thời từ bỏ việc chuyển tiền nhưng vẫn không muốn tin rằng “cố vấn đầu tư” của mình là kẻ lừa đảo. Thậm chí, ngay cả khi gia đình đến đồn cảnh sát để can ngăn, bà Ngô vẫn phớt lờ mọi lời khuyên.
Để tránh bà Ngô trở thành nạn nhân của kẻ xấu, cảnh sát đã nhờ ngân hàng khóa tài khoản trực tuyến của bà Ngô. Đồng thời, hơn 400.000 NDT trong thẻ cũng đã được chuyển vào tài khoản người thân của bà cụ. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến sự phản kháng của bà cụ này trở nên mạnh mẽ hơn.
Ngày 25/7/2021, bà Ngô ra “tối hậu thư” yêu cầu người thân phải trả lại số tiền đó về tài khoản của bà. Khi số tiền vừa về tài khoản, bà Ngô lại tiếp tục đến Ngân hàng Công thương Trung Quốc rút tiền nên gia đình của bà buộc phải đến đồn cảnh sát Sa Bình Bá xin giúp đỡ.
Lần này tại sở cảnh sát Sa Bình Bá, dưới sự thuyết phục của chuyên gia chống lừa đảo cùng chuyên gia tâm lý học tội phạm Trùng Khánh, bà Ngô cuối cùng cũng hiểu ra vấn đề và tiết lộ cho cảnh sát lịch sử trò chuyện WeChat cùng giao diện APP đầu tư đang dùng. Sau khi nghe cảnh sát phân tích chi tiết về kiểu lừa đảo này và cho biết thêm về những vụ án lừa đảo có thật khác, bà Ngô như bừng tỉnh, đổ mồ hôi lạnh. Cuối cùng, bà Ngô cũng hiểu ra rằng vì sự thiếu hiểu biết của mình mà suýt chút nữa, bà đã mất toàn bộ số tiền tích góp nửa đời người.
Để tránh bà Ngô bị lừa lần nữa, cảnh sát đã cảnh báo về các phương thức lừa đảo và cách nhận biết tình huống lừa đảo thường gặp cho bà và gia đình. Qua sự việc này, bà Ngô và gia đình rất cảm động, liên tục cảm ơn cảnh sát cũng như những người đã giúp đỡ bà cụ thoát khỏi bẫy của những kẻ lừa đảo.
Cảnh sát cũng không quên nhắc nhở gia đình bà Ngô nên dành nhiều thời gian hơn cho bà cụ bởi người già sống một mình là nhóm dễ bị tổn thương và thường trở thành mục tiêu của tội phạm. Vài ngày sau đó, Sở cảnh sát Sa Bình Bá cũng đã tặng quà khen thưởng cho nhân viên Ngân hàng Xây dựng trên câu chuyện trên vì có thái độ và hành động thông minh, giúp cảnh sát kịp thời vạch trần âm mưu lừa đảo của bọn tội phạm. Hành động của nhân viên này chính là tấm gương sáng cho mọi người cùng noi theo.
(Theo Toutiao)