Sức khỏe

Công khai bán mĩ phẩm giả trên mạng xã hội: Bộ Y tế vào cuộc

Tóm tắt:
  • Nhiều vi phạm trong sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm được phát hiện qua kiểm tra hậu mãi.
  • Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả và xách tay không có chứng từ đang bán tràn lan.
  • Quảng cáo sai lệch, nhập lậu, trốn thuế và vi phạm quy định về báo cáo, kiểm định.
  • Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động trên mạng và xử lý nghiêm vi phạm.
  • Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định, đảm bảo sản phẩm đúng công thức, có chứng nhận hợp pháp.

Trước thực trạng nhiều sản phẩm mĩ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang được bày bán công khai trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, Cục Quản lí Dược vừa phát đi công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sản phẩm lưu hành trên thị trường.

Nở rộ mĩ phẩm "xách tay", không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội

Theo ghi nhận trong những tháng đầu năm 2025, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok Shop, Facebook Marketplace và Zalo OA, số lượng tài khoản cá nhân rao bán mĩ phẩm “xách tay” tăng mạnh, đặc biệt là các sản phẩm được quảng cáo đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mĩ... Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, không được cơ quan quản lí nhà nước cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mĩ phẩm theo quy định.

Nhiều livestream bán hàng trên TikTok hoặc video “review” sản phẩm thu hút hàng nghìn lượt xem, chia sẻ nhưng không cung cấp được bằng chứng xác thực về nguồn gốc sản phẩm. Các cá nhân bán hàng thường sử dụng danh nghĩa "được người thân gửi về", "mua hộ", "xách tay chính hãng", thậm chí gán mác "dược mĩ phẩm", "hàng bệnh viện" để tạo niềm tin cho người mua.

Công khai bán mĩ phẩm giả trên mạng xã hội: Bộ Y tế vào cuộc ảnh 1

Bộ Y tế yêu cầu siết quảng cáo mĩ phẩm

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lí thị trường, chỉ trong quý I/2025, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện và xử lí nhiều vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh mĩ phẩm không rõ nguồn gốc, trong đó phần lớn là hàng được rao bán qua mạng xã hội, chủ yếu vi phạm về nhãn mác, không công bố sản phẩm, quảng cáo sai sự thật. Một số vụ còn phát hiện mĩ phẩm nhập lậu không đạt tiêu chuẩn an toàn, chứa chất cấm.

Đáng chú ý, thông qua phản ánh từ các cơ quan báo chí và theo dõi hoạt động trực tuyến, Cục Quản lí Dược ghi nhận tình trạng phổ biến các sản phẩm mĩ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng “xách tay” chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, bày bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube...

Nhiều sản phẩm bị nghi nhập lậu, trốn thuế, quảng cáo không đúng bản chất, thổi phồng công dụng hoặc gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Một số quảng cáo còn sử dụng hình ảnh, tên tuổi bác sĩ, cơ sở y tế trái phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo mĩ phẩm.

Tăng cường thanh tra, phối hợp xử lí vi phạm

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi trên, Cục Quản lí Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mĩ phẩm trên địa bàn. Trọng tâm là kiểm tra các sản phẩm không đúng địa chỉ công bố, doanh nghiệp thay đổi địa điểm mà không báo cáo, cũng như việc thực hiện các thông báo thu hồi mĩ phẩm theo quy định.

Đặc biệt, công văn nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra hoạt động kinh doanh mĩ phẩm trên các sàn TMĐT và nền tảng mạng xã hội. “Cần phát hiện và xử lí nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh mĩ phẩm trái phép; sản phẩm nghi ngờ là giả, không có số tiếp nhận phiếu công bố; quảng cáo vượt quá tính năng hoặc gây hiểu lầm là thuốc”, công văn nêu rõ.

Công khai bán mĩ phẩm giả trên mạng xã hội: Bộ Y tế vào cuộc ảnh 2

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ kinh doanh mĩ phẩm vi phạm.

Cục cũng chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389, lực lượng quản lí thị trường và các cơ quan chức năng khác để thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng mĩ phẩm

Bên cạnh đó, Cục Quản lí Dược yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa mĩ phẩm ra thị trường – bao gồm cơ sở nhập khẩu, sản xuất – phải nghiêm túc tuân thủ Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế. Doanh nghiệp không được sản xuất, gia công mĩ phẩm tại cơ sở chưa được cấp phép; không được đưa sản phẩm ra lưu hành nếu chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố. Đồng thời, phải đảm bảo sản phẩm đúng công thức đã đăng ký và chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, độ an toàn và hiệu quả.

Việc siết chặt quản lí mĩ phẩm trên không gian mạng đang trở thành yêu cầu cấp bách, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, chỉ lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng cấp phép.

Các tin khác

Vì sao nhiều người rút tiền gửi ngân hàng?

Lãi suất huy động giảm khiến việc gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn và dòng tiền dần rút khỏi ngân hàng. Các ngân hàng phải tìm cách xoay xở để thu hút nguồn vốn phục vụ nền kinh tế.

Người dân TP.HCM quay cuồng trong nắng nóng

Vào trưa nay 23.4, TP.HCM tiếp tục xuất hiện nắng nóng gay gắt với nhiệt độ ngoài trời tại khu vực Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) lên tới 42 độ C. Dưới cái nắng như đổ lửa, cuộc mưu sinh của những nghề phải "bám đường" cũng nhọc nhằn hơn.