Chính phủ Ấn Độ vừa áp lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) trước tình trạng mưa gió kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng. Gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác lớn.
Trước nhiều cửa sáng, cổ phiếu các doanh nghiệp gạo dậy sóng ngay từ đầu tuần với nhiều mã tăng hết biên độ. Đà tăng thị giá kéo dài đến hôm nay.
VSF đầu phiên đã tăng mạnh, sau đó nhanh chóng đạt mức trần 9.800 đồng, cao nhất từ tháng 11/2021. AGM mang sắc tím hai phiên liên tiếp đưa thị giá tiệm cận vùng đỉnh 6 tháng. Các mã khác như BLT, TAR, NSC, SSC cũng tăng từ 3% trở lên.
Tuy nhiên, cổ phiếu ngành gạo nổi sóng không giúp bảng điện nhóm lương thực - thực phẩm được phủ xanh hoàn toàn. Sự phân hóa hiện rõ khi các mã chứng khoán trồng trọt, chăn nuôi và đồ uống diễn biến khả quan, ngược lại nhóm thủy sản và gia vị (đường, dầu ăn...) lại nhuộm sắc đỏ.
Sự phân hóa rõ rệt cũng thể hiện ở bảng điện các ngành khác như bất động sản, nguyên vật liệu và xây dựng. Dòng tiền chỉ tìm đến các cổ phiếu có câu chuyện riêng.
DIG hôm nay ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu được sang tay với mức tăng 2,4%. Đây là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn HoSE. Doanh nghiệp này vừa công bố kế hoạch lãi gấp 7 lần trong năm nay và tái cơ cấu nợ trái phiếu. Ngoài ra, nhóm bất động sản chỉ ghi nhận một vài mã có thanh khoản cao và tăng giá mạnh gồm CEO và VRE. Còn lại, hầu hết cổ phiếu có giá trị giao dịch cao đều giảm thị giá.
Ngân hàng là ngành có diễn biến khả quan nhất thị trường. Sắc đỏ xuất hiện nhưng chỉ dừng lại ở 6 mã. Phần còn lại đều tăng thị giá so với hôm qua, nhiều mã tăng mạnh như VCB, OCB, TCB, BVB... Trong đó, VCB và TCB trở thành hai mã nâng đỡ thị trường và là điểm nhấn chính của nhóm bluechip cũng như toàn sàn HoSE.
Nhờ đóng góp của nhóm ngân hàng, VN-Index chốt phiên tăng hơn 5 điểm sau nhiều đoạn rung lắc. Chỉ số này bắt đầu kiểm tra vùng 1.200 và đóng cửa ở 1.105,9 điểm. Thị trường "xanh vỏ, đỏ lòng" khi có 250 cổ phiếu giảm và 207 cổ phiếu tăng.
Thanh khoản tăng nhẹ lên gần 20.150 tỷ đồng, là phiên thứ ba liên tiếp đạt hơn 20.000 tỷ. Dòng tiền đổ mạnh về nhóm tài chính, bất động sản và công nghiệp. Theo thống kê của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến 14h, thanh khoản mua và bán chủ động không chêch lệch nhau quá lớn cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn. Nhà đầu tư ngoại quay trở lại mua ròng nhưng biên độ chỉ đạt 9 tỷ đồng.