Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận khởi sắc trong quý II/2023. VN-Index tăng 5% so với quý I lên 1.120 điểm; thanh khoản cải thiện với khối lượng giao dịch bình quân phiên sàn HOSE đạt 11.700 tỷ đồng.
Tại báo cáo hoạt động tháng mới đây, PYN Elite Fund chỉ ra các nhà đầu tư đã có dấu hiệu trở lại TTCK. Khối lượng giao dịch mỗi phiên tăng cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn hơn của nhà đầu tư. Quỹ Phần Lan nhìn nhận dòng tiền chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư cổ phiếu đã thúc đẩy giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trên thị trường lên hơn 714 triệu USD (khoảng 16.800 tỷ đồng).
Song song đó, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng “thoáng” hơn trong câu chuyện cho vay ký quỹ (margin). Thống kê trong quý II, dư nợ vay margin tại các công ty chứng khoán tăng thêm khoảng 27.000 tỷ đồng so với cuối quý I, lên mức 150.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.
Sự tăng trưởng về thanh khoản và nhu cầu vốn vay giúp các công ty chứng khoán tăng doanh thu từ hoạt động môi giới. Xét 10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới HOSE, tổng doanh thu môi giới quý II đạt khoảng 1.981 tỷ đồng, tăng 38% so với quý I (giảm 48% so với cùng kỳ quý II/2022).
Quý II, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) ghi nhận doanh thu môi giới đạt 336 tỷ đồng, tăng 31% so với quý I và cao nhất trong 3 quý gần nhất (kể từ quý IV/2022). Mảng môi giới chiếm 21,3% doanh thu hoạt động quý II của SSI. Ông lớn khép lại quý II với doanh thu 1.575 tỷ đồng, cao nhất trong 5 quý. Lãi sau thuế đạt 525 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 4 quý và tiếp tục dẫn đầu ngành chứng khoán.
Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) cho biết trong quý II vừa qua, doanh thu hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và hoạt động môi giới chứng khoán đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do là tác động tiêu cực của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó, doanh thu môi giới đạt 203 tỷ đồng, cao hơn 44% so với quý I và xấp xỉ quý IV/2022.
VNDirect báo tổng doanh thu hoạt động quý II đạt 948 tỷ đồng, cao hơn 21% so với quý I nhưng vẫn giảm 14% so với cùng kỳ quý II/2022. Lãi sau thuế đạt 421 tỷ đồng, gấp 3 lần quý I và cao nhất trong 4 quý.
Trường hợp của Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI), doanh thu môi giới quý II/2023 đạt 140 tỷ đồng, tăng 57% so với quý I và cao nhất 4 quý. Hoạt động môi giới chiếm 28% tổng doanh thu của Vietcap. Kết thúc quý vừa qua, công ty báo doanh thu trên 500 tỷ và lãi sau thuế 117 tỷ đồng, lần lượt giảm 52% và 61% so với cùng kỳ năm trước. So với quý I, doanh thu không tăng đáng kể do công ty này cho biết còn thận trọng đối với hoạt động tự doanh.
Chứng khoán VPS vẫn tiếp tục thống trị thị phần môi giới. Trong quý II, VPS lập kỉ lục (của VPS) khi chiếm 17,65% thị phần môi giới trên sàn HOSE, tăng 3,34% điểm % so với quý I liền trước. Trên HNX, VPS chiếm 26,22% thị phần, bỏ xa các đơn vị phía sau như VNDirect (9,27%), SSI (7,81%) hay TCBS (6,16%). Công ty ghi nhận 613 tỷ đồng doanh thu môi giới trong quý II, cao nhất trong các công ty chứng khoán.
Trong cơ cấu doanh thu của VPS, với sự sụt giảm của hoạt động tự doanh, mảng môi giới vươn lên chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu (39% so với 38% của tự doanh). Kết quả, VPS báo lãi sau thuế quý II trên 83 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và giảm 28% so với quý I.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán của VPS đã lập kỷ lục (riêng CTCK này) tại 30/6 với 10.758 tỷ đồng, trong đó 95% là cho vay margin, tương ứng với 10.215 tỷ đồng. Con số dư nợ margin này cao hơn cả giai đoạn cuối 2021 đến đầu năm 2022 lúc thị trường chứng khoán bùng nổ, VN-Index hướng lên vùng 1.400-1.500 điểm (dư nợ margin chưa đến 9.000 tỷ đồng).
Nhiều dự báo TTCK tiếp tục khởi sắc giai đoạn cuối năm
Theo đánh giá của PYN Elite Fund, cú lao dốc của TTCK Việt Nam đã kết thúc vào tháng 11/2022 ở mức thấp nhất của VN-Index là 911 điểm. Vào thời điểm đầu năm 2022, VN-Index ở mức 1.500 điểm, thị trường được định giá với tỷ lệ P/S (giá/doanh số) là 2. Bây giờ ( khoảng tháng 6), tỷ lệ P/S là 1,29. Kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục tích cực trong năm nay vì cổ phiếu đã trở nên quá rẻ sau nhịp chỉnh mạnh của năm qua.
Không tính đến triển vọng tăng trưởng tốt của các công ty niêm yết Việt Nam trong vài năm tới và sự gia tăng về doanh thu, chỉ riêng với số liệu doanh thu năm 2023, theo quỹ ngoại P/S là 2 là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi lãi suất đang giảm và thanh khoản thị trường đang cải thiện trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc VN-Index có thể tăng trưởng về mức 1.500.
Quỹ Phần Lan cho rằng hành động của chính phủ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong năm nay. Các biện pháp đang có tác động tích cực đến xu hướng và sức mạnh của thị trường chứng khoán và có thể tiếp tục trong những tháng tới (kể từ tháng 7). Kích cầu nội địa trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay là vô cùng quan trọng và chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã và đang tích cực hành động để hướng tới mục tiêu đó.
Vì vậy, Việt Nam vẫn có thể duy trì mở rộng chính sách tiền tệ như một liều thuốc ngắn hạn để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, điều này sẽ khó có thể cải thiện tăng trưởng trong nửa sau 2023 nếu thiếu sự đồng hành của chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công.
Báo cáo thị trường cổ phiếu tháng 6 của Dragon Capital cho biết VN-Index tăng 4,1% trong tháng 6 giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực Châu Á. Kết quả trên phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất lần thứ 4 kể từ tháng 3.