Nới lỏng điều kiện vay sẽ để lại hệ luỵ
Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra sáng 25/7, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cho biết hiện số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.
"Theo chúng tôi đánh giá thì ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính,...", ông Thân cho hay.
Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì theo ông chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.
Một trong những giải pháp được Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đưa ra trong thời điểm trước mắt là việc xem xét hạ thấp điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp tại ngân hàng. Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để DNNVV tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ ràng, thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất nới điều kiện cho vay được nêu ra trong các buổi làm việc giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó không chỉ với các nhà điều hành chính sách mà còn với cả các ngân hàng thương mại, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù "buôn tiền".
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...
“Chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn", Phó Thống đốc nói.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), việc các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, số lượng đơn hàng thấp trong khi chi phí vốn tăng cao, sức hấp thụ vốn của các DN giảm sút, đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng.
Mặc dù các TCTD đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, song tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các TCTD rất thấp, cùng với khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.
Thực tế, từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%, theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA).
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Thông tư 02, TCTD phải trích lập dự phòng, thoái thu lãi, ảnh hưởng đến lợi nhuận; đồng thời việc nới lỏng điều kiện tín dụng, trong bối cảnh các doanh nghiệp hết sức khó khăn, không có khả năng trả nợ, gây rủi ro tiềm ẩn rất lớn, nợ xấu sẽ tăng cao.
Ngoài ra, các rủi ro liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ,... vẫn luôn thường trực ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng tài sản của ngân hàng.
NHNN có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, để tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, các Bộ ban ngành cần có các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy cầu nội địa.
Đồng thời, cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp để qua đó góp phần đẩy mạnh cả hai phía cung – cầu tín dụng.
Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với DNNVV; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hoá quy trình đầu tư và thủ tục hành chính,...
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ nhằm điều tiết thị trường để cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế.
Mặt khác, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỷ giá, đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.
"Đặc biệt, về chi phí vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Tú nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Doanh nghiệp cũng cần xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền của các phương án kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn sai mục đích/tận dụng để bù đắp cho những phương án kinh doanh không hiệu quả.