Lão hóa là quá trình tự nhiên xảy ra trong cơ thể theo quy luật thời gian. Dù không thể xóa bỏ hoàn toàn các dấu hiệu tuổi tác nhưng vẫn có cách để bạn làm chậm quá trình này và sở hữu vẻ ngoài tươi trẻ, đầy sức sống. Theo các nhà khoa học, phương pháp đơn giản và hữu hiệu nhất chính là tập thể dục. Tập thể dục đều đặn giúp cơ bắp khỏe mạnh và trẻ hóa da tới 40 năm.
Lúc còn trẻ, tập thể dục chủ yếu là để duy trì vóc dáng và sức khỏe, còn vận động thân thể sau tuổi 40 được xem là "giai đoạn quyết định" trong việc phòng chống tình trạng lão hóa, cho dù là tập thể dục với cường độ thấp.
Duy trì thói quen tập thể dục là suối nguồn của tuổi trẻ
Cơ bắp rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và tuổi thọ của mỗi người. Ảnh: Shutterstock
Nghiên cứu của giáo sư Ulrich Laufs (Đại học Leipzig, Đức), được công bố trên tạp chí khoa học European Heart Journal, đã phát hiện ra rằng một số môn thể thao có tác dụng kéo dài các cấu trúc gọi là telomere ở đầu các nhiễm sắc thể của con người.
Telomere được ví như một chiếc "mũ bảo hiểm" của nhiễm sắc thể, có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của DNA và sửa chữa các hư hỏng để bảo đảm cho hệ thống vận hành tốt. Ở người trẻ, các telomere này khá dài và theo tuổi tác, chúng ngày các ngắn đi. Vì vậy, bảo tồn độ dài của các telomere được coi là cách tạo ra phương thuốc "trường sinh bất lão".
Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã được yêu cầu tập một trong các môn chạy bộ, đạp xe, bơi lội, hoặc bài tập sức mạnh (tập tạ, tập gym). Lịch tập mỗi tuần 3 buổi, mỗi buổi 45 phút, kéo dài 6 tháng. Kết quả bất ngờ đã xảy ra ở nhóm tập chạy bộ, đạp xe và bơi lội. Telomere của họ kéo dài tới 3,5% sau 6 tháng luyện tập, trong khi ở nhóm kia không có sự thay đổi nào xảy ra.
Nguyên nhân là các môn thể thao đòi hỏi sức bền và cường độ cao từng lúc làm ảnh hưởng đến nồng độ oxit nitric trong mạch máu, một chất góp phần vào các thay đổi tích cực trong tế bào. Ngoài ra, cơ thể họ cũng tăng gấp 3 lần một enzyme mang tên telomerase. Đây là hóa chất giúp nuôi dưỡng các telomere được khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, trong nghiên cứu công bố trên tờ New York Post, các chuyên gia đến từ 2 trường đại học Mississippi và California cũng cho biết họ tập trung tìm hiểu xem tập thể dục ảnh hưởng như thế nào đến chiều dài các telomere ở người. Đáng chú ý, kết quả cho thấy mối liên quan giữa tập thể dục với chiều dài các telomere được nhìn thấy rõ nhất ở những người trong độ tuổi từ 40-65. Điều đó chứng tỏ tuổi trung niên là giai đoạn quyết định vai trò của tập thể dục đối với việc trì hoãn tốc độ rút ngắn của các telomere, qua đó cũng giúp kéo dài tuổi thọ.
Tập thể dục là "liều thuốc thần" giúp não chậm lão hóa
Duy trì thói quen tập thể dục chính là "chìa khóa vàng" giúp cơ bắp khỏe mạnh, từ đó kéo dài tuổi thọ, lưu giữ thanh xuân. Ảnh: Shutterstock
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín PLOS Biology, sự suy giảm cấu trúc não liên quan đến tuổi tác có thể được trì hoãn nhờ kiên trì thực hiện các bài tập tăng cường hô hấp và nhịp tim (aerobic exercise) ở tuổi trung niên.
Để đi đến kết luận trên, nhóm chuyên gia thuộc Phòng thí nghiệm Jackson – một trong những trung tâm nghiên cứu nổi tiếng thế giới tọa lạc tại bang Maine (Mỹ) – đã cho những con chuột thí nghiệm chạy trên bánh xe từ lúc 12 tháng tuổi, tương đương tuổi trung niên ở người. Các nhà nghiên cứu đánh giá não của chúng khi chúng được 18 tháng tuổi, tương đương 60 tuổi ở người. Đây là độ tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer.
Cả chuột già và trẻ chạy hơn 3,2km/đêm. Các cuộc kiểm tra cho thấy mức độ hao hụt tế bào ngoại mạch liên quan tuổi tác ở vỏ não của những con chuột đã giảm đáng kể, trong khi các dấu hiệu suy giảm chức năng khác ở hệ mạch máu và hàng rào máu não lại được cải thiện. Đặc biệt, biểu hiện của một gen gọi là Apoe – yếu tố nguy cơ Alzheimer tăng dần theo tuổi tác – cũng giảm rõ rệt nhờ tập thể dục.
Do đó, các chuyên gia cho rằng tập thể dục ở tuổi trung niên giúp duy trì sức khỏe não mạch, ngừa rối loạn hành vi và giảm viêm sưng thần kinh ở vỏ não và vùng chân hải mã – khu vực kiểm soát trí nhớ.
Luyện tập bao nhiêu là đủ để có sức khỏe tốt?
Chỉ cần vài phút luyện tập mỗi ngày cũng đủ để tạo nên sự khác biệt tích cực cho cơ thể. Ảnh: Shutterstock
Theo các chuyên gia sức khỏe, mỗi người nên vận động tối thiểu 30 phút mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chỉ nên tập 5 ngày mỗi tuần thay cho luyện tập xuyên suốt. Hãy để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và giãn cơ.
Đối với những người trẻ thì nên vận động một giờ mỗi ngày. Để trái tim luôn khỏe mạnh, hãy vận động ít nhất 10.000 bước mỗi ngày (tương đương với 8km).
Nếu bạn là người bận rộn, hãy chia nhỏ thời gian để tập luyện. Đâu phải nhất thiết cứ phải tập liền 30 phút mỗi ngày, hãy thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất như: đi bộ đến điểm bus, đi bộ ra chợ thay cho việc lái xe...Tổng cộng lại nhiều lần như vậy, bạn cũng đã có một khoảng thời gian kha khá để vận động rồi.
Những lưu ý trong quá trình tập luyện thể dục
Để những công sức của bạn bỏ ra được đền đáp, hãy chú ý một số điều sau:
- Không nên tập luyện khi quá đói hoặc quá no bởi điều đó sẽ không tốt cho dạ dày.
- Khởi động trước khi tập: Đây là bước quan trọng để tránh tình trạng bị chuột rút, căng cơ... Hãy dành ra 5 - 10 phút để thực hiện những thao tác khởi động đơn giản như xoay khớp tay chân, vặn hông, nghiêng vai...
- Không tập luyện quá sức trong thời gian dài, hãy chia nhỏ thành từng hiệp.
- Sau khi tập không nên ngồi xuống nhanh chóng bởi sẽ rất dễ tụt huyết áp.
- Bạn có thể tập luyện ở bất kỳ thời gian nào, không nhất thiết việc tập buổi sáng mới tốt.
- Những người mắc các bệnh tim mạch cần tránh các hoạt động mạnh như: nâng tạ, hít đất, chạy bộ quá sức...Thay vào đó, hãy chọn cho mình những bài tập nhẹ nhàng hơn.
Theo Eatthisnotthat và Dailymail