Trà sữa và cà phê gần như đã trở thành vật bất ly thân của những người trẻ. Gần đây netizen lại được 1 lần nữa xôn xao khi chuyên gia tài chính lấy ví dụ cốc trà sữa để nói về câu chuyện tích luỹ tiền lẻ .
Tuy nhiên, có nhất thiết phải bỏ đi 1 cốc trà sữa để tích luỹ cho tương lai. Liệu những số tiền chi tiêu tưởng chừng như phung phí ấy thật sự không có ý nghĩa gì ngoài 1 lần "mua vui" đối với giới trẻ.
Cùng gặp 4 bạn trẻ sau đây để nghe về quan điểm thú vị trong chuyện chi tiêu cho trà sữa và cà phê :
- Như Linh, 23 tuổi, đang làm trong lĩnh vực marketing, thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/tháng
- Trang Tâm, 22 tuổi, thu nhập 10 triệu đồng, công việc hành chính
- Hạnh Chi, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng
- Huyền Trang, 23 tuổi, công chức nhà nước, thu nhập 15-20 triệu đồng
Ảnh minh hoạ
Mỗi tháng thường chi tiêu khoảng 1 triệu đồng cho trà sữa và cà phê
Dạo một vòng các văn phòng, rất dễ để thấy mỗi sáng trên bàn là 1 tách cà phê và đầu giờ chiều là những cốc trà sữa để lên "mood" chạy nốt deadline. Những món đồ uống như trà sữa và cà phê không còn xa lạ gì với người trẻ, đối với một số người, nó thậm chí trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày không khác gì ăn và ngủ.
"Mình uống khá thường xuyên nhưng không đến mức là con nghiện, trung bình tầm 3 đến 5 cốc trà sữa trong tuần, bao gồm cả khi tự chủ động muốn uống và khi 'uống thụ động' như lúc đi chơi với bạn bè. Còn cà phê thì uống hằng ngày cho bữa sáng như thói quen, vậy nên tổng chi phí cho trà sữa, cà phê của mình có thể rơi vào trên 500k đến 1 triệu đồng/ tháng.", Hạnh Chi chia sẻ.
Hầu hết 4 người bạn trên đều tiêu khoảng 500-1 triệu đồng/tháng cho trà sữa và cà phê. Cô bạn Như Linh do sức khỏe nên không uống cà phê hay trà sữa từ xưa. "Nhưng bù lại mình thích uống trà bí đao, đôi khi cũng phải lên tới 70-80k/ ngày. Tính ra mỗi tháng cũng ngốn khoảng 2 triệu cho tiền nước uống.", Như Linh chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, Trang Tâm thường 1 tuần uống trà sữa 2 lần, còn lại thì cà phê la cà cùng bạn bè. Cô bạn cho rằng việc chi tiêu cho những khoản này là hoàn toàn xứng đáng. Những cuộc gặp gỡ bạn bè hay uống trà sữa để "lên" tinh thần là cách mà nhiều bạn trẻ ngày nay hay làm và mình cũng không ngoại lệ. Nó cũng giống như nhu cầu thiết yếu của mỗi người thôi, không có gì là quá đáng khi chi tiền mua trà sữa, cà phê.
Khi nhận được câu hỏi về ý nghĩa của việc chi tiêu cho trà sữa và phê, Hạnh Chi thẳng thắn nói rõ quan điểm, "Uống cà phê sáng giúp mình tỉnh táo làm việc hiệu quả thì hoàn toàn xứng đáng. Hay như uống cà phê, trà sữa lúc hẹn hò với bạn bè thì cũng không có gì phải tính toán do đó giống "phí hẹn hò", dù không tiêu vào nước uống thì mình vẫn sẽ phải tiêu tiền cho hình thức đi chơi khác thôi."
Có nên cắt giảm cà phê và trà sữa để tiết kiệm tiền?
Vừa mới đây, câu chuyện một vị chuyên gia tài chính chia sẻ rằng nếu bớt đi 1 cốc trà sữa 30k/ ngày, nhờ sức mạnh lãi kép sẽ kiếm được 2,4 tỷ đồng sau 40 năm, đang gây ra nhiều tranh cãi. Chẳng hạn có người cho rằng chắc gì đã sống đến 40 năm nữa để nhận 2,4 tỷ hay số tiền đó tính theo lạm phát hàng năm, đến lúc già đi rồi chắc cũng chẳng mua được gì. Song, bên cạnh đó cũng có nhiều người cho rằng đây là quan điểm đúng, có thể thay uống trà sữa, cà phê quán bằng cách tự nấu, tiết kiệm hơn bao nhiêu. Dành số tiền đó cho những mục tiêu tài chính sẽ tốt hơn nhiều.
"Việc này còn tùy thuộc vào từng người. Những con nghiện trà sữa ngày nào cũng 'tu' đôi ba cốc, mất vài triệu mỗi tháng thì rất nên hạn chế bớt (nhưng cũng không việc gì phải từ bỏ hẳn cả). Tiết kiệm tiền là một phần, mình nghĩ điều quan trọng hơn là các bạn cũng cần bảo vệ sức khỏe của mình nữa.", Hạnh Chi chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Mặt khác, cô bạn Huyền Trang cho rằng, tiết kiệm là đức tính tốt, nếu có thể làm được thì tương lai chắc sẽ tích lũy được nhiều hơn, còn nếu không được cũng không nên quá ép buộc bản thân mình. Lấy ví dụ là bản thân mình, cô bạn 23 tuổi chia sẻ rằng mình tạm thời chưa có mục tiêu tài chính nào to lớn nên cũng chưa muốn tiết kiệm nhiều.
Đồng tình với quan điểm của Huyền Trang là Như Linh, mỗi người có một mục đích riêng cho cuộc sống của họ thôi, bản thân mình có những mục tiêu tài chính riêng, không phải là tích lũy tài sản hay tự do tài chính, nghỉ hưu sớm nên mình đặt sự thoải mái của mình lên hàng đầu. "Hiện tại mình hài lòng với cuộc sống này, không có tham vọng kiếm thêm nhiều tiền - nên càng không cần đầu tư, lãi kép để có vài tỷ sau mấy chục năm. Thay vì nghĩ tới chuyện cắt giảm, nếu cần tiền mình sẽ kiếm thêm việc, chủ động tạo ra những nguồn thu khác như cho thuê nhà, may vá, order đồ hiệu giá tầm trung, đấu giá đồ auth trên các sàn Nhật bán lại kiếm lời,.."
Hầu hết mọi người đều đang đứng trên góc độ tài chính để đưa ra quan điểm trong câu chuyện có xứng đáng để cắt đi 1 cốc trà sữa và tiết kiệm tiền hay không. Tuy nhiên, Trang Tâm lại có góc nhìn khá độc đáo, đi chơi với bạn bè, trò chuyện cùng nhau cùng đôi ba ly trà sữa sẽ giúp đời sống của bạn tốt hơn, có giao lưu hơn. Hay khi tâm trạng không tốt, mệt mỏi 1 ly trà hay 1 cốc cafe sẽ giúp tinh thần sảng khoái hơn, vui vẻ hơn.
Uống trà sữa để "mua vui"?
Có nhiều người đặc biệt là những thế hệ lớn hơn cho rằng giới trẻ hiện nay chỉ uống trà sữa để "mua vui" là chính chứ không có ý nghĩa thiết thực gì trong mọi mặt kể cả tâm lý. Những câu nói như "sợ không có tiền nên không muốn sinh con nhưng ngày nào cũng uống trà sữa" hay "suốt ngày kêu nghèo mà hôm nào trên tay cũng 1 cốc Starbucks" chắc không còn xa lạ.
"Mình nghĩ nó còn tùy thuộc vào định nghĩa thế nào là ‘nhiều’ trong câu chuyện người trẻ đang chi tiêu rất nhiều tiền để mua vui. Nếu chỉ đơn giản là trích một ít thu nhập ra cho những thứ này thì sao gọi là nhiều được. Còn nếu có ai kiếm được bao nhiều tiêu hẳn 50%-70% để ‘mua vui’ thì mới thực sự đáng trách. Mình tin rằng con số chi tiêu như vậy là rất ít nên không thể ‘vơ’ cả giới trẻ vào được.", Trang Tâm chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Khi có một kế hoạch chi tiêu, biết tiền mình đi đâu và nguồn thu ổn định thì việc uống trà sữa hay cà phê để mua vui vẫn ổn. Còn nếu người trẻ giàu sĩ diện, nghèo tiền bạc nhưng vẫn chạy theo các thú vui, vung tiền quá tay rồi vay mượn, nợ nần thì chỉ thiệt thân chứ không được gì. Việc tiêu tiền để khiến bản thân hạnh phúc, miễn là không quá đà như đi vay nợ hay kiểu vung tiền để sĩ diện, thể hiện, sống ảo. Mục đích của cuộc sống nhìn chung là để vui vẻ thì "mua vui" là chuyện quá bình thường.
"Chi tiền cho bản thân chưa bao giờ sai cả. Giới trẻ quan tâm nhiều đến sức khỏe tinh thần hơn chi nhiều tiền để bản thân vui vẻ hơn thôi. Với cả thực ra bây giờ giá nhà cửa xe cộ tăng cao nên nhiều người nghĩ làm công ăn lương cả đời cũng chả mua nổi 1 căn nhà ở Hà Nội chi bằng dùng tiền đấy thuê nhà sống 1 cuộc sống vui vẻ còn hơn. Nếu bảo dùng tiền đấy để đầu tư thì không phải ai cũng có năng lực đó, có khi không sinh được đồng lãi nào lại còn nợ chồng nợ.", quan điểm của Huyền Trang với chủ đề uống trà sữa để "mua vui".