Doanh nhân

Chuyện về những nữ Founder Việt sẵn sàng bỏ công việc ổn định, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Nữ founder làm liều “bỏ phố về quê”

Trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, tập 13, một nữ founder đến từ Quảng Nam có tên Võ Thị Minh Nga đã gây xúc động cho cả những cá mập lẫn người xem truyền hình với câu chuyện “bỏ phố về quê” để khởi nghiệp.

Chị Nga sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, chị mang theo ước mơ của cả gia đình để lên TP HCM học tập và lập nghiệp. Chị cũng đã có tới 10 năm làm việc trong lĩnh vực báo chí.

Sau quãng thời gian bươn trải tại TP HCM, chị Nga nhận ra rằng mục đích thực sự của mình vẫn là trở về để giúp đỡ quê hương, mơ ước rằng những người ở quê hương của chị sẽ có cơ hội đổi đời.

Chị Võ Thị Minh Nga từng "bỏ phố về quê" để startup dù chưa có định hướng cụ thể. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Đó là lý do khiến cô gái trẻ quyết tâm “bỏ phố về quê” để khởi nghiệp dù chưa có định hướng rõ ràng. Với một người trẻ, chưa rõ định hướng về tương lai, không khó để hiểu rằng chị Nga đã gặp nhiều khó khăn như thế nào trong hành trình startup. Chị còn vấp phải cả sự phản đối từ gia đình, và phải mất thời gian cũng như đánh cược với gia đình để có thể ở lại quê nhà lập nghiệp.

Cuối cùng, chị Nga đã thành lập thương hiệu gạo lứt rẫy Bh.nong, một thương hiệu thực phẩm gạo lứt của người đồng bào dân tộc thiểu số được gieo trồng trên nương rẫy theo cách truyền thống và không dùng các chất hoá học.

Doanh thu của Bh.nong trong năm 2021 là 10 tỷ đồng với biên lợi nhuận 30% (chưa tính đến các chi phí truyền thông, marketing). Dự kiến trong năm 2022 và 2023 doanh thu có thể đạt mốc 15 tỷ đồng và 30 tỷ đồng lần lượt.

Đến với chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, chị Nga và Bh.nong ban đầu kêu gọi đầu tư 3 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Sau quá trình thuyết trình và thương lượng, cô gái người Quảng Nam đã quyết định đồng hành cùng Shark Hùng Anh, một người con xứ Quảng khác, với thương vụ 3 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần  Bh.nong.

Cô gái dân tộc Mường đem đặc sản thịt chua Phú Thọ đi gọi vốn

Cũng trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5, một nữ founder khác gây được sự chú ý, từ sản phẩm tham gia gọi vốn cho tới hành trình khởi nghiệp của bản thân.

Xuất hiện trên sóng chương trình, chị Nguyễn Thị Thu Hoa, founder của startup Trường Foods chia sẻ đã khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, thời điểm chưa có kiến thức cũng như kinh nghiệm, song với khát vọng mang đặc sản thịt chua đến mọi miền tổ quốc, chị đã tìm tòi và học hỏi để khám phá ra công thức sản xuất thịt chua hàng loạt mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của thịt.

Tính đến tháng 8, thịt chua của Trường Foods đã có mặt tại hơn 5.000 điểm bán (60% nằm ở tỉnh Phú Thọ và số còn lại nằm ở các tỉnh lân cận) và chiếm 40% thị phần thịt chua ở các thị trường này.

Cô gái người Mường Nguyễn Thị Thu Hoa được nhiều "cá mập" tranh giành khi đem đặc sản thịt chua Phú Thọ lên Shark Tank. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trường Foods có tốc độ tăng trưởng doanh thu từ năm 2015 đến năm 2022 trung bình đạt 30%/năm. Năm 2021, Trường Foods đạt doanh thu 52 tỷ/năm cùng mục tiêu doanh thu vào năm 2025 đạt 420 tỷ đồng đồng thời trở thành thương hiệu thịt chia số 1 Việt Nam. Tỷ lệ biên lợi nhuận hàng năm của Trường Foods hiện tại là khoảng 13%.

Chị Hoa đã đem đặc sản Phú Thọ lên gọi vốn với mong muốn kêu gọi 15 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần. Sau quá trình thuyết trình và thương lượng, cũng như sự tranh giành của các “cá mập”, chị Hoa và Trường Foods đã chấp nhận mức đầu tư 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần công ty kèm theo một điều khoản phạt nếu không đạt được như mục tiêu đã cam kết với Shark Bình. Shark Hùng Anh cũng sẽ tham gia thương vụ nói trên

Cựu MC VTV bỏ nghề, theo đuổi đam mê với ngành giáo dục

Hệ sinh thái startup Việt ngoài những cô gái khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, còn có những người khác sẵn sàng bỏ công việc ổn định để theo đuổi hành trình startup của bản thân.

Một trong những cái tên tiêu biểu phải kể đến nữ founder Nguyễn Minh Trang cùng startup giáo dục “Hộp háo hức”. Ngay sau khi chương trình kết thúc, chị Nguyễn Minh Trang đã có những chia sẻ về quá trình startup.

Cụ thể, trên trang Facebook cá nhân, founder “Hộp háo hức” cho biết đã từng nhận được những câu hỏi như “Sao lại nghỉ ở Đài làm gì?” hay “Làm MC, lên TV, đi dẫn show có phải vừa nhàn vừa dễ kiếm tiền, lại đỡ mệt đầu không?” khi bắt đầu khởi nghiệp cách đây 4 năm. Ngay cả mẹ và bản thân chị Trang cũng đặt ra những câu hỏi tương tự như vậy.

Chị Trang chia sẻ rằng mong muốn của bản thân là mọi em bé Việt đều có được những điều bình thường như cách chị làm với 4 em bé của mình, đó là được bố mẹ ôm vào lòng và ê a đọc sách cho nghe.

Chị cũng cho biết trong suốt những năm startup cùng “Hộp háo hức”, bản thân cũng có hàng chục lần tự đóng cửa ngồi khóc vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như giao hàng chậm, hộp bị méo, hotline trục trặc, khách hàng đánh giá 1 sao, khách hàng inbox mắng, nhân viên hỏi không biết trả lời sao,…

Nữ founder của “Hộp vui vẻ” đã từng hơn một lần nghĩ đến việc từ bỏ, song, trước câu hỏi “nghỉ xong em sẽ làm gì?” từ ông xã, chị đã suy nghĩ lại việc đó và quyết định kiên trì với “Hộp háo hức”.

Chị Nguyễn Minh Trang từng làm MC VTV trước khi nghỉ việc để khởi nghiệp. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Tính đến tháng 7, “Hộp háo hức” đã vận hành được 3 năm với doanh thu 44,5 tỷ đồng và lợi nhuận 15%. Mỗi tháng, “Hộp háo hức” đang cho ra thị trường khoảng 7.000 hộp sản phẩm. “Hộp háo hức” kỳ vọng biên lợi nhuận của năm 2022 sẽ là 22%. “Hộp háo hức” cho biết hiện tại 100% hoạt động bán hàng được thực hiện trên kênh trực tuyến. Trong đó, kênh Facebook chiếm tỷ trọng 80%.

Đơn vị này ban đầu kêu gọi 8 tỷ đồng cho 10% cổ phần trên sóng Shark Tank. Sau quá trình thuyết trình và thương lượng, chị Trang cùng “Hộp háo hức” đã chốt deal thành công 8 tỷ đồng cho 20% cổ phần kèm KPI cam kết với Shark Bình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm