Văn phòng của bà Nguyễn Thị Thành Thực có đầy đủ tất cả các loại sách phục vụ cho công việc của một doanh nhân, trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ. Đặc biệt, bà có rất nhiều sách về luật: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá Sản, Luật An ninh mạng…
“Tôi đọc tất cả các loại sách cần cho công việc. Mà thích đọc sách giấy chứ không thích đọc sách điện tử đâu”. Bà Thành Thực chia sẻ vậy, dù rằng nếu nói về công nghệ, bà am hiểu thậm chí hơn nhiều người trẻ, khi bà chính là tác giả của phần mềm Auto Agri – một ứng dụng nông nghiệp thông minh: “Tôi bây giờ, ở tuổi 55, gọi là U60 rồi, mà phải tự đi làm phần mềm, startup công nghệ (cười)”.
Vì sao cách đây 30 năm, học ngân hàng, rồi khi đang làm ngân hàng mà bà lại quyết định rẽ hướng sang kinh doanh nông sản, và đến giờ trở thành một chuyên gia tư vấn về nông nghiệp?
Nếu mà nói thật, thì là vì nghèo, đi làm ngân hàng lương thấp, thì muốn đi buôn thôi (cười). Nhưng nhờ khi đi học có nền tảng kinh tế, ngân hàng, biết tính toán rủi ro, chi phí thì đi buôn mới tốt.
Trong kinh doanh, những người đi buôn như tôi không bao giờ mua ở một nơi, mà luôn mua ở rất nhiều nơi, và tìm kiếm mặt hàng có thể bán quanh năm, va chạm với rất nhiều thị trường. Người sản xuất thì mỗi sản phẩm chỉ một vụ, và thời gian kéo dài khoảng một tuần, một tháng. Còn người đi buôn thì luôn phải tìm kiếm để bán được đều quanh năm. Người đi buôn sẽ biết nhiều người sản xuất khác nhau và nhiều kinh nghiệm khác nhau.
Cho nên, nếu biết vận dụng, khai thác những người đi buôn để chia sẻ kinh nghiệm cho những người sản xuất, thì đó là con đường rất tốt. Người sản xuất nông nghiệp sẽ là đối tác, là nhà cung cấp cho người đi buôn. Khi là đối tác của nhau thì luôn luôn sẽ muốn hỗ trợ nhau tốt nhất.
Ví dụ, bây giờ tôi đi mua hàng, tôi cũng muốn các nhà cung cấp của tôi có sức cạnh tranh để sản xuất ra hàng hóa tốt, người ta có lợi nhuận thì tôi mua được rẻ. Cho nên tôi luôn đi tìm kiếm kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ. Tất cả những thứ tôi đang làm, mục đích cuối cùng là để người nông dân có lợi ích tốt. Rồi khi họ làm tốt hơn, chi phí thấp hơn thì người ta mới có thể bán cho mình cạnh tranh được chứ.
Câu chuyện về việc bà từng mua cả nông trường cam Trung Quốc, bán hàng trăm tấn cam mỗi ngày thì nhiều người đã biết. Nhưng tôi tò mò, bà từng nói nhiều về việc nông sản Việt gặp khó ra sao khi có đối thủ lớn là nông sản Trung Quốc, và thương nhân Trung Quốc có những cách thức để áp đảo nông sản Việt ra sao, nhưng cũng chính bà, bất chấp những khó khăn đó, đã chuyển từ nông sản Trung Quốc sang kinh doanh các sản phẩm Việt Nam?
Thời kỳ đầu, tôi đi buôn, Việt Nam có rất ít giống cam. Cam Bố Hạ hay cam sành Hà Giang, cam Vinh đâu có sản lượng gì. Trung Quốc phát triển trước, nên tôi thu mua cam Trung Quốc về bán, nhưng rất xót xa, vì Việt Nam cũng có nhiều vùng cam có tiếng mà lại không có để cho mình bán. Sau này mở cửa, thương nhân Trung Quốc sang và đưa khoa học công nghệ sang, giúp hàng Việt Nam phát triển, thì nông sản Việt Nam cũng đa dạng mặt hàng để bán hơn.
Khi đó, tôi cũng muốn bán chính hàng Việt Nam ở nội địa Việt Nam, nhiều hơn việc nhập khẩu, cũng có tự tôn dân tộc (cười).
Gần như bây giờ tôi cũng không nhập khẩu nhiều hàng Trung Quốc nữa, vì thật ra thì Việt Nam có rất nhiều, trừ hàng trái vụ hoặc các mặt hàng xứ ôn đới. Khi đi buôn, mặt hàng nào tốt thì tôi hỗ trợ, và cũng muốn đem các giống cây tốt về cho Việt Nam.
Tại các diễn đàn nông nghiệp, bà đã từng đặt ra không chỉ một, mà là nhiều vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam. Theo bà, nút thắt lớn nhất và cần gỡ trước hết của nông sản Việt Nam, là vấn đề nào trong số đó?
Nếu mà nói sâu xa, thì theo tôi, nút thắt là ở việc thực thi chính sách và quản lý thị trường. Bởi vì dù ai kinh doanh, kinh doanh như thế nào đi chăng nữa, thì xuyên suốt vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Các chính sách của chúng ta vẫn đang coi nông nghiệp như một ngành yếu thế, nên trong quản lý thị trường, quản lý lưu thông, quản lý phân phối hàng hóa còn rất nương nhẹ.
Vẫn còn nhiều người sản xuất nhưng không tuân thủ quy định, không ghi chép nhật ký sản xuất, hay cũng không tuân thủ các quy định về lưu thông hàng hóa, làm giả nhãn mác của người khác hoặc là giả xuất xứ hàng hoá...
Tại sao chúng ta chưa làm nghiêm? Đến nay, ngành nông nghiệp của chúng ta không còn là chuyện làm để đủ ăn nữa, mà đã trở thành ngành hàng hóa rất lớn và có cơ hội cũng rất nhiều. Vậy thì chúng ta phải tuân thủ các quy luật thị trường.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu ở kỳ họp Quốc hội hồi đầu năm, về việc nông dân sau này sản xuất thì phải được đào tạo, và phải có chứng nhận mới được phép sản xuất. Nhiều người nghe vậy thì nổi đóa lên phản đối.
Nhưng Bộ trưởng đã đúng.
Sản xuất nông nghiệp, thực phẩm là một ngành sản xuất có điều kiện. Vì sao? Thứ nhất làm ra những thứ người ta ăn, thì phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đấy là có điều kiện. Thứ hai nữa, là anh sử dụng các phương thức ảnh hưởng đến môi trường đất, môi trường nước, anh xả thải ra môi trường, thì anh phải tuân thủ các quy định về môi trường. Và kinh doanh nông sản, thực phẩm cũng tương tự, là ngành kinh doanh có điều kiện.
Nếu như chúng ta đã có rất nhiều chính sách pháp luật để quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về môi trường, thì cần làm nghiêm.
Tóm lại, nút thắt lớn nhất là chúng ta vẫn chưa chưa áp dụng các chính sách pháp luật một cách nghiêm khắc với thị trường cung ứng. Chúng ta chưa nhìn nhận đúng vai trò và trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Các chính sách tập huấn, tài liệu để hướng dẫn người nông dân rất nhiều, nhưng nếu thấy làm dễ dãi vẫn bán được thì họ sẽ không thay đổi. Thế nên, có hai từ Bộ trưởng Hoan đã dùng mà tôi cho là rất đắt, là một nền nông nghiệp dễ dãi và mù mờ.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm ở thị trường Trung Quốc, theo bà, chúng ta có thể học hỏi gì từ họ?
Có thể học hỏi được nhiều chứ, nhất là trong việc liên kết chuỗi. Nông dân Việt Nam, thứ nhất là không có nhiều thời gian để đi giao lưu, và cũng không biết được các kỹ thuật, cách thức cạnh tranh của thị trường. Người đi buôn nếu có tâm, muốn chia sẻ với người sản xuất thì sẽ lấy kinh nghiệm của vùng này để chia sẻ cho các vùng khác
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, là người sản xuất nông nghiệp không nên ích kỷ. Ngày hôm nay tôi bán của bạn ngon, nhưng ngày mai tôi bán của người khác không ngon thì người tiêu dùng cũng thôi khỏi ăn nữa. Sản phẩm công nghiệp không khó để sản xuất được đồng nhất chất lượng. Nhưng sản phẩm nông nghiệp thì cần phải chia sẻ, cần phải chung tay.
Chẳng hạn muốn xây dựng thương hiệu cho sầu riêng, chỉ làm tốt một vùng thì cũng chỉ bán được trong vòng một thời gian ngắn là hết hàng. Nhưng nếu chia sẻ kinh nghiệm của một vùng cho nhiều vùng khác nhau, thì sẽ có nhiều nguồn hàng để bán, trong thời gian dài hơn. Chứ chỉ bán được một mùa thì người đi buôn sẽ không đầu tư phát triển mặt hàng đó nhiều.
Trong liên kết chuỗi và cùng nhau xây dựng thương hiệu cho ngành hàng, thì điều này rất quan trọng, như các cụ có câu: Đi buôn có bạn, đi bán có phường.
Mặt hàng vải thiều là một ví dụ. Tại sao Lục Ngạn lại hình thành chợ vải thiều? Vì người dân Lục Ngạn trồng tốt, kinh nghiệm của họ tốt nên các vùng khác sản lượng ít thì vẫn phải đem về đó. Một mình mình trồng thì chỉ bán tại chỗ, nhưng muốn xuất khẩu để bán đi nơi khác, thì chắc chắn phải có sản lượng, và càng thu hoạch được liên tục thì càng tốt cho thị trường, nên việc chia sẻ kinh nghiệm là rất cần thiết.
Bà từng đề xuất mô hình khu kinh tế tập trung cho nông nghiệp. Ý tưởng đó đến từ đâu?
Tôi cũng đi các nước và học hỏi kinh nghiệm từ họ. Ví dụ như Trung Quốc chẳng hạn, họ có nhiều vùng. Còn Việt Nam thì có thể chỉ làm một vài vùng thôi chứ không phải tỉnh nào cũng làm, thì sẽ không hiệu quả.
Cần có khu tập trung như thế, để có những ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Nếu so với công nghiệp thì đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp có mấy ai đâu?
Ví dụ như khu nông nghiệp ở Trung Quốc, chuyên gia nước ngoài sang nghiên cứu, họ cấp hẳn 20ha, miễn tiền thuê đất, miễn tất cả các loại phí trong 30 năm và làm toàn bộ hạ tầng đến tận nơi, như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ở ngay Nam Ninh thôi. Nếu Việt Nam cũng xây dựng các cụm như thế, thì khi chuyên gia nước ngoài đầu tư vào, người dân và doanh nghiệp Việt Nam có thể đến ngay đó để học tập.
Mặt khác, đó cũng là một thị trường mở, tất cả hàng hóa vào đó coi như hàng miễn thuế. Ví dụ hàng Việt Nam có thể đưa vào đó thành, thành chợ, để người nước ngoài đến thu mua, hoặc ưu tiên để cho hàng nhập khẩu đưa vào, để phát triển được logistics.
Ở thời điểm nào, bà quyết định tự xây dựng một nền tảng công nghệ cho nông nghiệp? Trong khi trước đó, bà từng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ lớn có thể trở thành hạt nhân cho chuyển đổi số nông nghiệp?
Năm 2015, tôi đã có một chuyến đi Isreal 2 tuần. Trước khi tôi đi, anh Trương Gia Bình hỏi tôi, tại sao lại đi chuyến này. Tôi nói: “Em đã làm ăn với ông to nhất thế giới 20 năm rồi. Giờ em đi xem ông giỏi nhất thế giới làm gì”. Dưới góc độ người Việt nhìn về nông nghiệp thì thời điểm đó Isreal là giỏi nhất.
Và chuyến đi đó đã cho tôi thấy, cái lõi giúp họ thay đổi, là công nghệ, là tự động hóa. Trước đây tự động hóa chỉ đơn giản như không đi xe đạp thì đi xe máy, ô tô, nhưng nay tự động hóa đã phát triển đến mức hoàn toàn, tức là cần trí tuệ nhân tạo, xe tự lái thay con người. Để làm được như vậy thì phải có cơ sở dữ liệu. Máy không tự làm thay con người được, mà ta phải dạy nó.
Chuyến đi đó đã khiến tôi thay đổi rất lớn, về cách tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.
Vậy Isreal có phải là một hình mẫu?
Không phải hình mẫu. Cái Isreal rất giỏi, chính là marketing. Có một giai đoạn, cụm từ “nông nghiệp công nghệ cao” trở thành trend (xu hướng). Bao nhiêu doanh nghiệp đã đầu tư nhà màng, nhà kính, nhưng có thực sự hiệu quả không?
Đó chỉ là copy paste. Nhà màng, nhà kính không phải là công nghệ cao. Hệ thống tưới nhỏ giọt cũng không phải nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng chúng ta đã tốn bao nhiêu tiền khi nói về những thứ đó?
Cái gì mới là lõi để thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam? Câu trả lời là công nghệ, nhưng mà phải là công nghệ và ứng dụng phù hợp. Nếu chỉ copy paste công nghệ thì chúng ta sai! Quan trọng nhất là công nghệ phù hợp.
Mà một người ở đất nước khác thì không thể làm ra công nghệ phù hợp cho Việt Nam, nếu không có trải nghiệm ở đây. Như thế, chỉ có người Việt, hiểu được thực trạng nông nghiệp Việt, và mô tả được để ứng dụng công nghệ phù hợp, đó mới là quan trọng. Có thông tin, có dữ liệu thì đầu tư cho các ngành hàng sẽ chính xác.
Từ năm 2016 đến năm 2019, tôi hỗ trợ, toàn tâm toàn ý hỗ trợ cho 3 doanh nghiệp công nghệ làm giải pháp, nhưng không thành công. Doanh nghiệp công nghệ họ có nghề, nhưng không có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Mà công nghệ thông tin chỉ là công cụ để phục vụ cho công việc cụ thể thôi.
Trong nông nghiệp, muốn ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh, bạn vẫn phải vẫn phải trải nghiệm và bạn vẫn phải có quy trình. Nhưng nông nghiệp của mình manh mún thì chẳng ai viết thành quy trình, đều chỉ là kinh nghiệm. Và anh không có dữ liệu làm sao anh dạy máy được? Làm sao ứng dụng được tự động?
Thế nên tôi bây giờ, ở tuổi 55, gọi là U60 rồi, mà phải tự đi làm phần mềm, startup công nghệ (cười).
Bà đã xây dựng Auto Agri như thế nào?
Với mạng xã hội, bạn có thể biết được ngay trên khắp thế giới hay chỗ nào người ta trồng cái gì. Nhưng ai sẽ kiểm soát, kiểm chứng những thông tin đó. Hay ví dụ, một địa phương, hay Bộ Nông nghiệp muốn truyền thông cho một ngành hàng, thì phải có dữ liệu chính xác. Nhưng hiện nay dữ liệu của chúng ta, các phương pháp thống kê của ta đang không theo kịp thị trường thực tế, cho nên chúng ta bị tụt hậu. Phải giải quyết bài toán đó ngay và luôn.
Tất cả phải thu thập thông tin. Muốn làm chiến lược ngành hàng, muốn kinh doanh, hay muốn tiết kiệm... mọi thứ phải có thông tin.
Trong 3 năm vừa rồi, phần mềm Auto Agri đã được ứng dụng ở nhiều địa phương. Đây, (rút điện thoại). Ví dụ các bạn trồng sầu riêng, ở Bình Phước, đang xây dựng cho mỗi cây sầu riêng một nhật ký điện tử, là một địa chỉ web riêng. Bạn mua sầu riêng của cây này có thể giám sát đầy đủ thông tin: ai là người cung cấp, dùng thuốc gì… đều phải ghi minh bạch. Khi họ phân quyền cho tài khoản tôi, tôi có thể biết ai làm gì, làm lúc nào, ở đâu.
Nhật ký điện tử này giống như một ngôi nhà. Tôi bán cho bạn một tên đăng nhập, bạn sẽ có một tên miền, như một miền đất trên không gian. Ở đó bạn tự xây nhiều ngôi nhà, không giới hạn. Bạn cũng có thể cho tôi chìa khóa, để tôi có thể vào những phòng nào.
Đây, ví dụ, mỗi con bò đều có một lý lịch như thế này.
(Cười lớn)
Đầy đủ hết.
Ví dụ, nếu việc chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk mà được sử dụng hết cho các ngành hàng, thì tỉnh có thể có những thông tin tổng quát, vì phần mềm này có thể trích xuất báo cáo thống kê, lọc trên phần mềm đến từng thôn một. Họ có cây nào, diện tích bao nhiêu, sản lượng bao nhiêu, thời điểm nào thu hoạch, thì sẽ giảm được chi phí. Nếu thuê người đi khảo sát thì liệu người khảo sát đó có làm thật hay không?
Câu hỏi cuối cùng, với tất cả những gì bà đang làm, mong muốn lớn nhất của bà đối với nông nghiệp Việt Nam là gì?
Mong muốn lớn nhất của tôi là xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam ở trong nước, và quốc tế. Vì trong chuỗi giá trị thì giá trị thương hiệu là giá trị lớn nhất.
Cảm ơn chia sẻ của bà!