Những yếu tố khiến thanh khoản khan hiếm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I năm 2023
Trong hội thảo, ông Nguyễn Nhật Khánh cho biết năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với ngành ngân hàng xuất phát từ tình hình khan hiếm thanh khoản ở hiện tại, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tỷ lệ tăng trưởng huy động đang chậm hơn tăng trưởng cho vay khoảng 6%, tương đương 480.000 tỷ (tổng giá trị tín dụng toàn nền kinh tế khoảng 8 triệu tỷ).
Ba lý do khiến thanh khoản thị trường kém như hiện tại được ông Khánh đưa ra đó là một khoản tiền đang tạm thời bị "chôn" ở những kênh không tạo hiệu quả cho nền kinh tế, ví dụ như lượng lớn tiền đang bị "giam" ở những dự án bất động sản không thể triển khai.
Thứ hai, ông Khánh cho biết lạm phát ở Việt Nam có độ trễ so với lạm phát ở Mỹ khoảng một đến hai quý, lạm phát trong nước năm 2022 đã được kiểm soát tốt dưới 4%, tuy nhiên lạm phát lõi (core inflation, lạm phát không tính đến các ngành hàng có tính biến động lớn) vẫn đang trên đà tăng, do đó Ngân hàng Nhà nước vẫn phải duy trì lãi suất cao để hút tiền về chống lạm phát.
Thứ ba, việc Fed tăng lãi suất sẽ gây ra hiệu ứng dòng vốn chảy ngược về Mỹ, các thị trường khác trong đó có Việt Nam phải chống lại điều này bằng cách tăng lãi suất, giúp đồng Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn và ngăn nhà đầu tư nước ngoài bán đồng Việt Nam lấy USD, điều này vô hình trung đã gây áp lực lên thanh khoản thị trường.
Đó là những lý do chính khiến thanh khoản thị trường khan hiếm và những yếu tố này sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết quý I, ông Khánh nhấn mạnh.
Chiến lược đầu tư phù hợp với bối cảnh thanh khoản năm 2023
Chia sẻ về hai dấu hiệu nhà đầu tư có thể theo dõi để sớm nhận biết thanh khoản thị trường bắt đầu được tháo gỡ trong năm 2023, ông Trần Đức Anh gợi ý dấu hiệu đầu tiên là nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ hơn so với năm 2022, cụ thể là mặt bằng lãi suất giảm.
Ông Đức Anh cho biết thị trường thường sẽ phản ứng trước khi lãi suất giảm, như động thái mua vào dự trữ ngoại hối (mua USD, bán đồng Việt Nam) của Ngân hàng Nhà nước, một chỉ báo sớm hơn nữa đồng nghĩa với rủi ro cao hơn được ông chỉ ra đó là đồng USD trên thị trường quốc tế lao dốc khiến tỷ giá trong nước hạ nhiệt.
Dấu hiệu thứ hai, ông Đức Anh cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao sẵn do nền so sánh thấp, do đó Chính phủ không phải sử dụng đến chính sách tài khoá để thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên sang đến năm 2023 Việt Nam có một số rủi ro đặc biệt liên quan tới những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, EU đang có nhu cầu tiêu thụ chậm lại, cùng với mặt bằng lãi suất nền kinh tế trong nước cao như hiện nay ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh nghiệp.
Những rủi ro trên có thể khiến tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn mức tiềm năng là khoảng 6 – 6,5%, khi đó kênh đầu tư công sẽ đươc đẩy mạnh giúp tiền được bơm ra nền kinh tế.
Gợi ý về chiến lược đầu tư phù hợp trong bối cảnh thanh khoản năm 2023, ông Nguyễn Trung Du chia sẻ theo kinh nghiệm cá nhân, sau những lần sụp đổ thị trường thường đi lên mạnh mẽ hơn do các doanh nghiệp yếu kém bị đào thải, theo ông Du thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2023 rất khó vươn lại như 2022 và tiếp tục ở mức thấp với mức trung bình dưới 14.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên.
Về chiến lược, ông Du cho biết với một thị trường đang hồi phục, thanh khoản thấp và ít cơ hội, nhà đầu tư cần chọn lọc cơ hội và xác định những cổ phiếu cụ thể có câu chuyện đặc biệt thay vì đầu tư theo ngành.